Thực hư chuyện lão ve chai nhặt được sợi xích vàng khổng lồ

Gần đây, giữa khu đất hoang vu bên đường Tăng Nhơn Phú (TP.HCM) bỗng xuất hiện một ngôi nhà nguy nga tráng lệ như cung điện. Người dân xung quanh vô cùng ngạc nhiên khi biết chủ nhân của tòa nhà đó là một ông lão làm nghề thu mua ve chai. Từ đó, có một số người rỉ tai nhau rằng gia chủ phất lên nhanh như vậy là nhờ may mắn nhặt được sợi xích bằng vàng dài 3m, nặng 30kg(!?)

Ngạc nhiên với “cung điện” của lão ve chai

Nằm trên cánh đồng bên đường Tăng Nhơn Phú (khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, TP.HCM), căn biệt thự đồ sộ của ông Lê Hiếu (50 tuổi) dù chưa hoàn thành toàn bộ nhưng cũng khiến nhiều người trầm trồ. Người ta ví von đây là cung điện chứ không đơn thuần là ngôi nhà, bởi không chỉ quy mô mà kiến trúc toàn bộ tòa nhà cũng rất giống những cung điện cổ kính ở các nước phương Tây. Ngay cả chúng tôi, khi tận mắt chứng kiến cũng thực sự bị choáng ngợp bởi sự tráng lệ, uy nghi đến khó tưởng. Hôm chúng tôi đến, dù trời đã chập choạng tối nhưng hàng chục người thợ vẫn rất khẩn trương làm việc để sớm hoàn thiện ngôi nhà.

Tiếp chúng tôi trong bộ dạng tất cả, ông Lê Hiếu cho biết, với khối lượng công việc khổng lồ như thế, có ngày ông phải huy động cả trăm người làm, số ngày công tính đến nay đã lên đến hàng ngàn. Gia chủ cũng tiết lộ, diện tích tổng thể ngôi nhà rộng gần 1.000 m2, căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của các cung điện Nga thời xưa, với những mái vòm uốn lượn liên tiếp. Phía bên ngoài cổng được sơn màu vàng, ráp hình rồng rắn bay lượn theo lối cổ điển Đông phương. Phía bên trong tòa nhà cũng được trang trí giống như trong các lâu đài, với nhiều bức phù điêu được chạm khắc rất tinh xảo treo lên trên tường. Điểm nổi bật nhất chính là chiếc cầu thang hình xoáy ốc bên trong được sơn màu vàng, thể hiện sự giàu có, sang trọng và quý phái.

Thực hư chuyện lão ve chai nhặt được sợi xích vàng khổng lồ - 1

Căn biệt thự đang xây của ông Hiếu. Ảnh: T.G

Bà Hồng, chủ quán cà phê đầu hẻm gần khu vực nhà ông Hiếu cũng chứng nhận: Trước khi xây căn biệt thự này, vợ chồng ông Hiếu cũng chỉ sống bình thường với nghề thu mua ve chai, đời sống chật vật. Thế nhưng, không hiểu sao ổng làm ăn tài tình thế nào mà chỉ hai năm lại đây phất như diều gặp gió, xây ngôi nhà lớn đến thế, ai nhìn thấy cũng phải thán phục”. Qua trò chuyện được biết, ông chủ “cung điện” nguyên là một lão nông chính hạng kiêm nghề thu mua ve chai, cuộc sống rất nghèo khó.

Ông Hiếu cũng cho biết, mình sinh ra trong gia đình nông dân, lại đông anh em nên quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào đám ruộng cằn cỗi mà cái ăn luôn thiếu trước hụt sau. Chính sự nghèo đói triền miên ấy nên không chỉ ông Hiếu mà tất cả các anh em ông cũng không ai được học hành tới nơi tới chốn. Ý thức được hoàn cảnh của mình nên ngay từ nhỏ, ông Hiếu rất siêng năng, biết giúp đỡ cha mẹ từ những công việc nhỏ nhất cho đến việc vừa sức mình. Đến lúc vừa mới lớn, ông Hiếu đã đi làm mướn kiếm tiền để tự nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Ông Hiếu làm đủ thứ nghề, từ phu hồ, bốc vác thuê, cho đến nghề chăn vịt mướn… Sớm bươn chải trường đời, thấu hiểu phải chịu khổ nhục thế nào vì nghèo đói nên ông Hiếu đau đáu nghĩ cách bằng mọi giá kiếm thật nhiều tiền.

Cuộc đời của chàng trai trẻ Lê Hiếu bắt đầu một ngã rẽ khác khi đến xin làm thuê cho một gia đình chuyên thu gom phế liệu ở Quận 9, TP. HCM. Với bản tính cần cù, chịu khó nên ông Hiếu được gia chủ rất quý mến và coi như người thân trong nhà. Chẳng bao lâu, chàng trai làm thuê không chỉ nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của ông bà chủ mà cả cô con gái xinh đẹp của họ cũng xiêu lòng. Một đám cưới nhỏ được tổ chức sau đó làm thay đổi cuộc đời chàng trai Lê Hiếu, từ người làm mướn trở thành người có quyền kinh doanh trong cơ sở phế liệu. Nhờ biết tính toán làm ăn, tằn tiện tích góp, hơn 20 năm lăn lộn đã đưa Lê Hiếu trở thành một “lão làng” trong nghề kinh doanh phế thải, kinh tế vững chắc.

Xôn xao chuyện nhặt được sợi xích vàng khổng lồ

Trong suốt buổi tiếp xúc, ông Hiếu cho biết những chuyện xôn xao quanh ngôi nhà của ông đã xuất hiện từ ngày mới xuống móng, tức đã cách đây khoảng 2 năm. Bởi ngay khi ông mua lô đất rộng mênh mông này nhiều người cứ đồn đoán là một đại gia nào đó đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu sinh thái làm du lịch. Rồi một ngày khi thấy máy múc, máy ủi, máy nầm cọc chống lún để làm nền thì người ta đã đoán rằng chắc đại gia nào đó đang toan tính xây một khách sạn cỡ 5 sao sánh ngang với những tòa nhà cao ốc ở trung tâm Sài Gòn. Nhưng khi ngôi nhà thành hình hài và biết được chủ nhân của nó là một ông chuyên thu mua phế liệu thì nhiều người “ngã ngửa” thật sự. Họ không thể hiểu cái thu mua ve chai, rác thải thì lời lãi đâu ra mà ông Hiếu có đủ tiền xây ngôi nhà như lâu đài như vậy?

Chính việc ông Hiếu “ve chai” xây ngôi nhà lớn đến khó tưởng như thế nên có rất nhiều đồn đoán. Lúc đầu, người ta kháo nhau ông Hiếu đã trúng số độc đắc hàng trăm tỷ. Thế nhưng, điều này có vẻ không thuyết phục vì “không thấy báo chí đăng tải”. Vì thế người ta lại cho rằng nghề thu mua ve chai có khi dễ bắt gặp của rơi đâu đó. Thế rồi chẳng hiểu từ đâu, người ta cứ truyền tai nhau rằng ông Hiếu bắt được vàng. Không những thế, ông Hiếu bắt được một sợi xích khổng lồ bằng vàng ròng trong một lần thu mua phế liệu.

Thực hư chuyện lão ve chai nhặt được sợi xích vàng khổng lồ - 2

Ông Lê Hiếu, chủ nhân của "cung điện" đang gây xôn xao dư luận

Câu chuyện được những người sống lân cận kể một cách rành rọt thế này: Trong lần thu mua mẻ sắt phế thải, ông Hiếu vô tình nhặt được một sợi xích dài khoảng 3m. Sợi xích này nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt vì bị bám đầy bụi đất, nằm lẫn trong đống sắt vụn. Tuy nhiên, với con mắt của một người kinh nghiệm mua phế liệu lâu năm, ông Hiếu nhận thấy sợi dây xích có điểm khác với những loại sắt phế thải khác. Vì vậy, ông Hiếu liền đưa sợi xích này rửa sạch và kiểm tra kĩ thì hóa ra đó là một sợi dây xích bằng vàng ròng, có trọng lượng lên đến 30kg! Ngay sau khi nhặt được sợi dây xích bằng vàng khổng lồ, ông Hiếu cắt ngay một đoạn và bán được hơn 10 tỷ đồng. Có tiền trong tay, ông Hiếu gần như lập tức mua đất và xây dựng ngay căn biệt thự kể trên.

Thế rồi, chuyện ông Hiếu được hưởng “lộc trời” bay khắp vùng, đến nay mỗi khi hỏi đến họ đều kể rành rọt. Bà L., bán nước gần khu vực căn biệt thự đang xây của ông Hiếu cũng cho biết thêm: “Đời nào buôn ve chai lại giàu sụ đến như vậy được. Dù sao, ổng làm nhà to vậy cũng mừng. Đặc biệt hơn, dân làng còn khâm phục khi biết được, hoàn cảnh của ổng trước cũng gặp khó khăn. Cách đây mấy hôm cũng có vị khách đến hỏi về chuyện ông Hiếu nhặt được sợi xích vàng như lời đồn có đúng sự thật hay không, tôi cũng chỉ trả lời bâng quơ cho xong chuyện. Thực tình, mình cũng chỉ nghe kể, chứ có được tận mắt chứng kiến sợi xích đó hình hài thế nào đâu”.

Khi phóng viên hỏi anh Tuấn (19 tuổi), một thợ đang xây ngôi nhà của ông Hiếu thì anh này cũng khẳng định đó là chuyện có thật. Anh Tuấn khẳng định: “Chính tai tôi nghe con gái ông Hiếu kể chuyện này. Lúc đó nghe xong cũng bán tín bán nghi nhưng khi bắt tay xây dựng công trình ngốn tiền núi thì tôi không thể không tin”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thì ông Hiếu khẳng định chuyện nhặt được sợi dây xích bằng vàng chỉ là chuyện đồn thổi, đồn đoán của một số người dân. Số tiền để mua đất và xây căn nhà này là do gia đình ông làm ăn tích cóp suốt mấy mươi năm với nghề thu mua phế liệu. Ông Hiếu cho biết, bí quyết trở thành giàu có là phải tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất, phải biết dùng tiền để đẻ ra tiền và tiếp tục cho nó sinh lợi lâu dài. Thế nhưng dường như những điều ông Hiếu giải thích có vẻ vẫn chưa thuyết phục được những người dân trong khu vực. Bởi nhìn vào “cung điện” mà ông đang xây dựng, nhiều người áng chừng số tiền để hoàn thành nó phải đến mấy chục tỷ đồng. Thế nên, một người buôn bán phế thải như ông Hiếu thì lời lãi cả đời làm ăn cũng chả có được số tiền lớn như vậy nói gì đến chuyện tích cóp, tiết kiệm sau khi đã ăn tiêu.

Khi chúng tôi hỏi điều này, ông cười một cách đầy ẩn ý và nói: “Đợi tớ xây xong ngôi nhà thì mọi chuyện được sáng tỏ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thông – Hùng Hóa (Đời sống & Hôn nhân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN