Thực hư chuyện đi qua Lào, Campuchia để né BOT nhanh, rẻ hơn cao tốc

Để né chi phí BOT trên cao tốc Bắc - Nam theo lộ trình TP.HCM - Hà Nội, hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh lộ trình mới cho tài xế là đi qua Lào, Campuchia. Tuy nhiên...

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh các tài xế truyền nhau lộ trình di chuyển mới từ TP.HCM đi Hà Nội mà không cần đi qua cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, tài xế có thể né trạm thu phí ở cao tốc, vừa có thể tiết kiệm thời gian nếu chọn lộ trình đi qua Lào và Campuchia. Cụ thể, nếu lựa chọn lộ trình qua Lào và Campuchia, tài xế sẽ mất khoảng hơn 30 tiếng mà không phải di chuyển qua trạm thu phí nào.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu rằng người dân Việt Nam có thể thuận tiện đi qua nước bạn với thời gian ngắn hơn và chi phí rẻ hơn?

Tài xế truyền tai nhau lộ trình di chuyển mới để né cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Facebook

Tài xế truyền tai nhau lộ trình di chuyển mới để né cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Facebook

Về vấn đề này, tài xế Sơn Vũ cho biết, thực chất tài xế chỉ nhau một cung đường mới, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại sẽ thực sự phù hợp với những ai đam mê khám phá, ưa trải nghiệm.

Tuy nhiên, để đi được lộ trình trên, tài xế cũng cần có thời gian làm các thủ tục thông quan, giấy liên vận để có thể qua được các nước bạn. Vì vậy, lộ trình mới chưa chắc tiết kiệm về thời gian và chi phí.

Nói về việc đi lộ trình mới để né trạm thu phí cao tốc Bắc - Nam, anh Sơn cho rằng các tài xế đang "tính toán quá chi ly". Ví dụ, từ TP.HCM tới Nghệ An, phí BOT qua cao tốc cũng chỉ khoảng 900.000 đồng, đây là một chi phí có thể chấp nhận được.

"Thiết nghĩ, ai ham mê khám phá các cung đường mới thì có thể lựa chọn lộ trình qua Lào và Campuchia. Còn việc tính toán thiệt hơn thì tài xế có thể di chuyển qua quốc lộ 1 thay vì lên cao tốc" - anh Sơn vũ nói.

Tài xế Thái Nguyễn thì cho rằng nhiều người di chuyển lộ trình Nam - Bắc và đang tính đi qua Campuchia và Lào để né trạm thu phí. Chạy thì được đấy nhưng mà lỡ xe hỏng hoặc trục trặc thì rất khó để nhờ hỗ trợ vì bất đồng ngôn ngữ.

Một lãnh đạo cấp phòng Sở GTVT TP.HCM cho biết việc các phương tiện di chuyển qua quốc tế cũng khá thuận lợi. Người dân có thể làm thủ tục cấp giấy liên vận - giấy phép này có thể thông quan và di chuyển qua nước ngoài được. Hiện người dân chỉ cần gửi hồ sơ trực tuyến, khoảng 3 ngày là có giấy liên vận.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô khách TP.HCM, cho biết đối với những cá nhân, hộ gia đình nếu muốn đi trải nghiệm cung đường mới, khám phá lộ trình mới thì có thể lựa chọn phương án như trên mạng xã hội chia sẻ.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể đi Quốc lộ 1 nếu cho rằng phí trên cao tốc quá cao. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thực tế nếu lái xe trên cao tốc sẽ nhanh, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.

Với vai trò là đơn vị quản lý, ông Tính cho rằng nhà nước cần xem xét lại mức phí ở các trạm BOT trên cao tốc. Liệu rằng mức phí đó có quá cao khiến nhiều người phải truyền nhau "né" cao tốc có thu phí.

Từ đó, chúng ta có thể đề xuất hạ mức phí, thời gian thu phí dài hơn, hấp dẫn người dân đi lại. Đồng thời, doanh nghiệp vận tải cũng mạnh dạn tham gia để mang lại hiệu quả của các tuyến cao tốc.

"Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam cần xem xét hiện nay các trạm thu phí cao tốc hiện có quá cao so với những trạm BOT khác hay không, từ đó trình lên cấp trên để điều chỉnh mức thu phí trên cao tốc cho phù hợp" - ông Tính góp ý.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy khẳng định, nếu được thông qua sẽ tính toán mức thu phí đường bộ cao tốc đầu tư từ ngân sách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Trang ([Tên nguồn])
Nóng trên mạng xã hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN