Thực hư chuyện đẻ con thứ 3, nộp 2 triệu mới có giấy khai sinh

Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, quyết định của UBND huyện nêu rõ số tiền người dân cam kết tự nguyện đóng góp khi sinh con thứ 3 là 2 triệu, nhưng người dân có thể đóng ít hơn hoặc không phải đóng.

Thực hư chuyện đẻ con thứ 3, nộp 2 triệu mới có giấy khai sinh - 1

 Nhiều người dân huyện Vĩnh Tường bức xúc vì phải nộp số tiền lớn sau khi sinh con thứ 3. (Ảnh: Phùng Yến)

Cả xã phải đóng 2 triệu nếu sinh con thứ 3

Vừa qua, báo chí phản ánh việc, người dân ở xã Bình Dương và xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc khi phải nộp số tiền từ 2-4 triệu cho chính quyền địa phương vì sinh thứ 3 trở lên.

Đáng chú ý, người dân còn phản ánh, họ buộc phải nộp số tiền trên để được chính quyền giải quyết thủ tục làm giấy khai sinh cho con.

Trao đổi với PV ngày 20.5, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, phía UBND huyện đã tiếp nhận phản ánh của người dân và đang kiểm tra.

Theo bà Nhung, vào các năm 2011, 2012 tỷ lệ tăng dân số ở huyện Vĩnh Tường lên đến gần 30%. Lo ngại việc này sẽ làm ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên tháng 3.2013, UBND huyện ban hành quyết định “Quy định một số cơ chế chính sách Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2013 – 2020”.

Quyết định trên nêu rõ, những đối tượng vi phạm sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phê bình… đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ cam kết tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí vào quỹ ban DS –KHHGĐ xã, thị trấn nơi cư trú với mức 2 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 3, và 4 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 4 trở lên.

Thực hư chuyện đẻ con thứ 3, nộp 2 triệu mới có giấy khai sinh - 2

Quyết định của UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu người dân thực hiện nghĩa vụ cam kết tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 3, và 4 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 4 trở lên.(Ảnh: Phùng Yến)

Bà Nhung cho biết, sau khi ban hành quyết định, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên. Nếu người dân vi phạm sẽ phải tự nguyện nộp tiền. Số tiền người dân tự nguyện ủng hộ để phục công tác tuyên truyền DS –KHHGĐ và thưởng cho những đơn vị giảm được tỷ lệ sinh.

Tuy nhiên, theo bà Nhung, quyết định nêu rõ là tự nguyện đóng góp nên nhiều xã trong huyện mềm dẻo trong việc thực hiện. Người dân có thể ủng hộ 300.000 - 500.000 đồng tùy vào hoàn cảnh hoặc có thể không phải đóng. Tuy nhiên, riêng tại xã Lũng Hòa, do chính quyền cứng nhắc trong thực hiện quyết định nên tất cả người dân đều phải đóng số tiền 2 triệu.

Về thông tin người dân phản ánh, họ bị cán bộ xã gây khó dễ trong việc làm giấy khai sinh vì không đóng tiền tự nguyện khi sinh con thứ 3 hoặc thứ 4, bà Nhung cho biết, huyện nhận thấy chính quyền xã Lũng Hòa có biểu hiện không đăng ký giấy khai sinh cho trẻ và ép đóng tiền “tự nguyện”. Tuy nhiên, hiện chính quyền xã đang không thừa nhận việc gây khó cho người dân, đồng thời cho rằng, tất cả các trường hợp ra đăng ký đều được giải quyết.

Bà Nhung khẳng định, việc ép người dân đóng tiền “tự nguyện” theo quyết định của UBND huyện để được làm giấy khai sinh là sai. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ thông tin này, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Bà Nhung cho biết thêm, sắp tới, UBND huyện sẽ bàn kế hoạch, trả lại tiền cho những người dân không ký cam kết nhưng đã tự nguyện đóng tiền vì sinh con thứ 3. Với những trường hợp đã ký cam kết và đóng tiền nếu có đơn đòi lại tiền, chính quyền cũng sẽ xem xét giải quyết.

Muốn dân sinh ít chỉ có tuyên truyền, vận động

Liên quan đến việc người dân Vĩnh Tường phải đóng tiền khi sinh con thứ 3 trở lên, ông Nguyễn Văn Tân – Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, Nhà nước không có quy định, chính sách, hình thức xử phạt nào đối với người dân và gia đình, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ 3 trở lên.

“Theo quy định, Luật Dân số chỉ khiển trách người sinh con thứ 3 đối với Đảng viên còn người dân không có bất cứ hình thức xử phạt hành chính nào”, ông Tân cho hay.

Ông Tân cho biết, sự việc chính quyền ép người dân tại Vĩnh Phúc nộp tiền khi sinh con thứ 3 trở lên là lần đầu tiên ông từng nghe. Tổng cục Dân số sẽ kiểm tra và có ý kiến về vấn đề này.

Thực hư chuyện đẻ con thứ 3, nộp 2 triệu mới có giấy khai sinh - 3

Phiếu thu số tiền 2 triệu đồng của một người dân xã Lũng Hạ vì sinh con thứ 3.(Ảnh: Phùng Yến)

Cũng theo ông Tân, kết quả của công tác dân số trong thời gian qua cho thấy nhận thức và thực hiện chính sách này tới từng lớp nhân dân đã thay đổi theo chiều tích cực. Hiện nay, mục tiêu của chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đó là “mỗi gia đình hãy sinh đủ 2 con”.  Vì thế, mô hình mỗi gia đình sinh 2 con đã trở thành chuẩn mực xã hội mới trong việc sinh đẻ.

“Trong công tác dân số, nếu phạt tiền người dân, họ sẽ không đồng thuận và không hợp tác. Muốn các gia đình sinh con ít để nuôi dạy con tốt chỉ có thể bằng biện pháp tuyên truyền, vận động”, lãnh đạo Tổng Cục Dân số nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực – Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN