Thừa Thiên Huế: Nước sông Hương dâng cao
Đến 11 giờ trưa nay 15/10, ngay sau cơn bão Nari quét qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gió mạnh vẫn rít liên hồi, mực nước lũ trên các sông đang lên nhanh…
Nhóm PV, CTV tại Thừa Thiên-Huế chạy xe máy đi trên đường không chạy nổi với sức gió, có lúc gió giật mạnh đè xe ngã, nước mưa quất rát cả mặt. Tại các huyện Phú Lộc, Nam Đông vẫn còn gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Hầu hết nhà dân đều vẫn đóng kín cửa. Hàng loạt cây xanh trên địa bàn tỉnh gãy đổ, các bảng quảng cáo bị hất tung xuống đường. Hàng chục ngôi nhà tại xã Lộc An huyện Phú Lộc, bị tốc mái.
Nghiêm trọng hơn, mưa lũ đã làm chia các các tuyến đường liên xã ở Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Hương Phong, Hải Dương (thị xã Hương Trà)…
Có mặt tại xã Quảng Thành sáng 15/10, PV ghi nhận mực nước từ thượng nguồn đổ về sông đang lên rất nhanh, có nơi dâng cao 1,5m, mọi đi lại gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Thành Trung, xã Quảng Thành cho biết, sáng nay mới ngủ dậy thì thấy nước lên đường lênh láng ướt ngang ngực, để đi về các thôn khác chúng tôi phải đi theo con đường phía sau…
Nước dâng cao nhanh chóng
Ngay tại địa bàn thành phố Huế, nhiều tuyến đường đã bị nước lụt từ 0,5-1m. Tại đường Huỳnh Thúc Kháng và Bạch Đằng, TP. Huế người dân thành phố đã lội nước lụt, hiện mực nước trên sông Hương đang dâng lên đường phố rất nhanh.
Tuyến đường tỉnh lộ 14, đoạn đi qua thôn Triều Sơn và nối liền các xã Hương Phong – Quảng Thành hiện mực nước đã ngập lên quá đầu người, mọi đi lại đều phải đi bằng ghe thuyền, công tác phòng chống lụt bão đang gặp nhiều khó khăn.
Tại các xã ven biển của huyện Phú Vang, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và các xã Vinh Hải, Vinh Hiền, Vinh Giang (huyện Phú Lộc) sóng biển dâng cao 4-5m khiến tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng.
Cây gãy đổ gập chắn ngang đường, giao thông đang bị ách tắc từ thị trấn Khe Tre đến tỉnh lộ 14.
Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nhà dân bị sập và tốc mái, nhiều diện tích cây trồng, hoa màu bị gãy đổ và hư hại. Đã có một người dân ở huyện Phú Lộc bị thương do bão.
Hiện Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế chưa thống kê được thiệt hại. Các địa phương ở tỉnh thiệt hại nặng nhất là Nam Đông và Phú Lộc. Trong đó, huyện Nam Đông có lượng lớn diện tích cây cao su bị gãy đổ.
Mưa lớn trong ngày 14 và sáng 15/10 cộng với thủy điện xả lũ khiến mực nước các sông trên địa bàn dâng cao. Trên sông Bồ, đến sáng 15/10, nước sông đã đạt báo động 3, nước sông Hương vượt báo động 3. Nhiều khu dân cư ở hạ lưu các sông đã bị ngập lũ. Người dân Thừa Thiên- Huế chuẩn bị đón lũ sau bão.
Tỉnh lộ 14 đi huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế bị chia cắt, giao thông tắc nghẽn do cây đổ. Nhiều cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Đặng Tuấn Anh)
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Do ảnh hưởng bão và kèm theo mưa lớn từ tối 14 đến rạng sáng 15/10 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm 4 người bị thương nặng; hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này đang đối diện với cơn lũ lịch sử, hiện nước lũ đã chia cắt các tuyến đường liên xã, liên thôn. 3 người bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa ở Phong Điền gồm: ông Nguyễn Đức Bi (65 tuổi, trú thôn Đông Duy Tây Hồ, xã Phong Bình bị chấn thương sọ não hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế); ông Phạm Bá Chiểu (75 tuổi, trú thôn Đông Duy Tây Hồ, xã Phong Bình) và ông Nguyễn Văn Nghi (45 tuổi, trú thôn Mỹ Phú, xã Phong Chương bị gãy tay, chân. Người bị thương còn lại ở huyện Phú Lộc bị mái tôn cắt đứt gân chân.
Chùm ảnh nước sông Hương lên cao, nhiều tuyến đường nội ô thành phố Huế ngập sâu trong nước:
Gió quật mạnh làm cây xanh bật gốc
Nhiều cổ thụ trong nội thành thành phố Huế trốc gốc
Nhiều biển hiệu quảng cáo rách nát vì gió lớn
Nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước
Nhiều tuyến đường nội ô thành phố Huế bị ngập sâu
Nước sông Hương dâng cao nhanh chóng
Đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế mênh mông nước
Đường Bạch Đằng đã biến thành sông
Nhiều người bất chấp nguy hiểm lội nước ra bờ sông
Lực lượng chức năng đã có mặt chốt chặn không cho người dân qua đây để đảm bảo an toàn
Đường đi của bão Nari Báo cáo với ban phòng chống lụt bão Trung ương cách đây ít phút, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 11, ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 07 giờ sáng nay (15/10) khoảng 100 – 200mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 396mm, Nam Đông (Huế) 345mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 340mm; A Lưới (Huế) 219mm. Lúc 8 giờ sáng ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 08 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 102,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7 - 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 2 - 3 mét, sóng biển cao từ 5 - 8 mét. H.Giang |