Thua kiện, 2 công ty điện lực phải thanh toán gần 12 tỷ đồng tiền điện

Sự kiện: Tin nóng

Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai thua kiện 2 doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và bị buộc phải thanh toán gần 12 tỷ đồng tiền điện chưa thanh toán.

Ngày 25/10, Tòa án nhân dân TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã ban hành bản án số 17/2022/KDTM-ST về tranh chấp hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (địa chỉ: TP Hồ Chí Minh-Công ty Thanh Danh), Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (địa chỉ: tỉnh Gia Lai  -Công ty Vạn Phát) và bị đơn là Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Gia Lai.

Trụ sở Công ty Điện lực Gia Lai.

Trụ sở Công ty Điện lực Gia Lai.

Theo nội dung vụ án, ngày 26/12/2020, Công ty Thanh Danh, Vạn Phát ký hợp đồng mua bán ĐMTMN tại tỉnh Gia Lai với đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Điện lực miền Trung là Công ty Điện lực Gia Lai. Hợp đồng có thời hạn từ ngày 26/12/2020 đến ngày 26/12/2040.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Thanh Danh, Vạn Phát đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ của mình nhưng phía Công ty Điện lực chỉ mới thanh toán tiền điện 3 lần và tạm ngưng thanh toán tiền điện phát sinh kể từ ngày 11/3/2021. Sau đó, Công ty Thanh Danh, Vạn Phát liên tục có văn bản gửi các bên liên quan khiếu nại, đề nghị giải quyết vụ việc.

Tháng 5/2021, Công ty Điện lực Gia Lai đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản ghi nhận số lượng tấm pin của hệ thống ĐMTMN của Công ty Thanh Danh là 2.915 tấm pin tương ứng công suất 1.195,15 MWp; Công ty Vạn Phát là 2.916 tấm pin tương ứng công suất 1.195,56 MWp.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Công ty Điện lực Gia Lai có văn bản trả lời khiếu nại các công ty trên với nội dung: Hệ thống ĐMTMN của Công ty Thanh Danh đã nâng vượt công suất với hợp đồng mua bán điện đã ký là 195,96 kWp tương ứng với 477 tấm pin lắp dư và Công ty Vạn Phát đã nâng vượt công suất với hợp đồng mua bán điện đã ký là 195,96 kWp tương ứng với 477 tấm pin lắp dư. Do đó, đơn vị không xác nhận sản lượng điện sản xuất của hệ thống để thanh toán tiền điện.

Tuy nhiên, theo Công ty Thanh Danh, Vạn Phát thì công ty hoàn toàn không gắn thêm tấm pin, không nâng công suất của hệ thống vì các tấm pin đã lắp trước ngày ký kết hợp đồng (theo hình ảnh hoàn thành thi công số lượng tấm pin trên mái nhà ngày 14/12/2020).

Đồng thời, biên bản nghiệm thu của phía Công ty Điện lực ngày 26/12/2020 về thông số kỹ thuật của các tấm pin quang điện và bộ chuyển đổi Inverter đã nêu rõ: Hệ thống ĐMTMN lắp đặt và nghiệm thu đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu vận hành nối lưới; công trình thi công cơ bản đảm bảo yêu cầu kĩ thuật để đưa vào vận hành. Các bên khẳng định số lượng tấm pin không thuộc đối tượng nghiệm thu và điều này phù hợp với hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Căn cứ hồ sơ vụ án và trình bày của các bên liên quan, HĐXX Tòa án nhân dân TP Pleiku nhận thấy: Trong hợp đồng mua bán điện ghi công suất lắp đặt của một hệ thống ĐMTMN là 999,6 kWp với các thông số tại phụ lục (mẫu phụ lục bên mua điện ban hành) do bên bán điện đầu tư xây dựng và vận hành.

Trong quá trình tố tụng, theo yêu cầu của Tòa án, bên mua điện đã cung cấp bản phụ lục nhưng không có chữ ký của bên bán điện nên không có căn cứ ràng buộc các thông số kỹ thuật lắp đặt là 999,6 kWp đã được các bên thống nhất. Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương thì công suất đỉnh lắp đặt ĐMTMN là 1MW và 1,25MWp. Trong khi đó, hệ thống ĐMTMN của Công ty Thanh Danh, Vạn Phát đáp ứng điều kiện có 9 Inverter, công suất 110KW/Inverter, tương đương 990KW (đổi thành 0,99MW), tức chưa quá 1MW theo quy định.

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 7/1/2022 xác định số lượng tấm pin của 2 hệ thống điện trùng hợp với số lượng tấm pin được Công ty Điện lực Gia Lai kiểm đếm ngày 6/5/2021; phù hợp với hồ sơ hoàn công mà bên bán điện đã gửi cho bên mua điện trước khi ký hợp đồng mua bán điện. Trong quá trình giải quyết vụ việc, bên mua điện không xác định được vị trí số tấm pin mà bên mua điện cho rằng được lắp đặt thêm sau khi nghiệm thu...

Tòa án nhân dân TP Pleiku quyết định: Buộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai phải liên đới thanh toán cho Công ty Thanh Danh số tiền bán điện và tiền lãi suất do chậm thanh toán là gần 5,9 tỷ đồng; thanh toán cho Công ty Vạn Phát số tiền bán điện và tiền lãi suất do chậm thanh toán là hơn 5,8 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai phải liên đới chịu án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm nộp vào ngân sách Nhà nước là gần 120 triệu đồng.

Một doanh nghiệp kiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đòi bồi thường hơn 12,7 tỉ đồng

Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Vinacomin khởi kiện hành chính Cục Đăng kiểm Việt Nam ra Toà án nhân dân TP Hà Nội, đề nghị bồi thường hơn 12,7 tỉ đồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Hào ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN