Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vào giữa tháng 2.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II-2023.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 19-3-2023.
Người dân đi lễ đầu năm ở chùa Giác Lâm. Ảnh: HUỲNH THƠ.
Theo đó, các tổ chức mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Khi tiếp nhận tiền mặt, tổ chức cần cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), đơn vị định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì được gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Khi tiếp nhận giấy tờ có giá, các đơn vị cần mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm: thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Khi tiếp nhận kim khí quý, đá quý, đơn vị cần mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Thông báo cũng cho biết, Thủ tướng giao tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các Bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong Quý II-2023. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 27/2/2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến...