Thủ tướng Thái Lan tự bào chữa trước tòa

Bà Yingluck bị tố cáo thu lợi bất hợp pháp khi điều chuyển một quan chức an ninh.

Ngày 6/5, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã phải ra trước Tòa án Hiến pháp ở Bangkok để tự bào chữa trước các cáo buộc lạm quyền.

Trong đơn tố cáo thủ tướng lạm quyền, các thượng nghị sĩ Thái Lan cho rằng đảng Pheu Thai cầm quyền của bà Yingluck đã thu lợi bất chính thông qua việc điều chuyển Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil Pliensri vào năm 2011.

Hồi đầu năm, một tòa án khác của Thái Lan cũng phán quyết rằng động thái thuyên chuyển ông Thawil là không phù hợp với quy định của pháp luật. Ông Thawil được chính quyền trước đây bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia, tuy nhiên ông này đã bị bà Yingluck điều chuyển sang vị trí khác vào năm 2011.

Thủ tướng Thái Lan tự bào chữa trước tòa - 1

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ quyết định xem việc điều chuyển này có vi phạm hiến pháp hay không, và bị phán quyết là có tội, bà Yingluck sẽ bị mất chức thủ tướng và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Phát biểu trước tòa án, bà Yingluck tuyên bố: “Tôi bác bỏ cáo buộc này. Tôi không vi phạm bất cứ điều luật nào, tôi không nhận bất cứ lợi ích nào trong việc điều chuyển này.”

Bà Yingluck cũng khẳng định rằng việc thuyên chuyển ông Thawil là vị lợi ích của cả đất nước Thái Lan.

Ngoài cáo buộc trên, bà Yingluck còn phải đối mặt với cáo trạng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá lúa gạo bị cho là tạo điều kiện cho tham nhũng.

Phe Áo Đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck cho rằng các tòa án cấp cao của Thái Lan đang bắt tay nhau chống lại bà và những cáo trạng này là một nỗ lực của tầng lớp thượng lưu nhằm lật đổ chính phủ của bà.

Hồi tuần trước, chính phủ của bà Yingluck đã thông báo sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 20/7 tới đây, tuy nhiên kế hoạch này lại bị phe đối lập phản đối.

Phe đối lập ở Thái Lan với những người ủng hộ là tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở thành thị đã rầm rộ tổ chức biểu tình từ năm 2013 đến nay với yêu cầu đòi thay thế chính phủ hiện nay bằng một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử.

Tuy nhiên, bà Yingluck và đảng Pheu Thai vẫn giành được sự ủng hộ rất lớn từ những người nông dân ở nông thôn, khiến đất nước Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN