Thủ tướng Thái Lan bị điều tra
Cơ quan chống tham nhũng Thái Lan đang điều tra Thủ tướng Yingluck liên quan đến chương trình trợ giá gạo của chính phủ.
Ngày 16/1, Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan đã mở cuộc điều tra chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra khiến chính phủ của bà càng gặp khó khăn hơn sau quãng thời gian đầy chông gai trước làn sóng biểu tình dữ dội suốt hơn một tháng qua.
Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan tuyên bố họ sẽ điều tra về nghi vấn bà Yingluck cẩu thả trong công vụ liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi cho nông dân nước này.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang bị điều tra về chính sách trợ giá gạo
Tại một cuộc họp báo, đại diện Ủy ban này cho biết họ sẽ truy trố tội danh tham nhũng 15 người, trong đó có một cựu bộ trưởng thương mại có liên quan đến chương trình trợ giá gạo của chính phủ.
Chương trình trợ giá gạo cho nông dân do chính phủ của bà Yingluck khởi xướng đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của phe đối lập, những người đã huy động hàng chục ngàn người biểu tình phong tỏa đường phố thủ đô Bangkok từ hồi đầu tuần trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc bà Yingluck phải từ chức, nhường đường cho một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử lên nắm quyền.
Phe đối lập Thái Lan cho rằng chương trình trợ giá gạo của chính phủ được lập ra nhằm tăng cường vị thế của bà Yingluck ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi đa số người dân làm nghề nông, và chính điều đó đã khiến Thái Lan bị tồn kho hàng núi gạo chưa bán được.
Bà Yingluck đã kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới đây nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị, tuy nhiên đảng Dân chủ đối lập lại kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử này vì họ lo sợ rằng sự ủng hộ của đông đảo người dân nghèo sẽ giúp đảng của bà Yingluck dễ dàng chiến thắng trong bầu cử.
Người biểu tình phong tỏa một giao lộ lớn ở thủ đô Thái Lan
Hôm thứ Năm, cảnh sát Thái Lan cho biết cuộc biểu tình “đóng cửa” thủ đô Bangkok đã trở nên nguội dần khi số lượng người tham gia biểu tình đã giảm đi đáng kể.
Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng trong thời gian sắp tới bà Yingluck sẽ phải tiếp tục đối mặt với một số động thái pháp lý khác của phe đối lập nhằm hạ bệ chính phủ của bà.
Trước mắt, hàng chục nghị sĩ thuộc đảng Pheu Thai của bà đang có nguy cơ bị Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia truy tố vì có liên quan đến nỗ lực sửa đổi hiến pháp để biến thượng viện Thái Lan trở thành một cơ quan dân bầu.
Nếu bị kết luận là có tội, các nghị sĩ này sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm và sẽ tác động đáng kể đến cơ hội thành lập một chính phủ mới của bà Yingluck sau cuộc bầu cử vào đầu tháng Hai tới đây.