Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM là hạt nhân
Trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng yêu cầu xây dựng đô thị TP.HCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị... và có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Quy hoạch xác định xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động, là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đồng thời, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác cũng như đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Vùng Đông Nam Bộ sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại; huy động tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa nội lực với ngoại lực. Cùng đó lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển; chú trọng phát triển kinh tế ban đêm.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển, tạo các cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để hình thành không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển cho vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Đáng chú ý, quy hoạch đặt ra yêu cầu phải phát huy tối đa nhân tố con người, tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc.
“Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển; gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn” – quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.
Quy hoạch cũng đặt ra tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại.
Xây dựng vùng thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới, có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Riêng TP.HCM được xây dựng là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.
TP.HCM là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ
Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, quy hoạch xác định Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước, là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao.
Vùng Đông Nam Bộ cũng được xây dựng thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Phát triển và đưa TP.HCM là TP văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước. Đồng thời trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Về các mục tiêu kinh tế cụ thể, Quy hoạch đề ra việc phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 -9%/năm, trong đó TP.HCM tăng trưởng khoảng 8,5-9%/năm.
GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD; phấn đấu tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35 - 40%...
Về phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng, bao gồm khoảng 850 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa. Phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu Cũng trong quyết định phê duyệt quy hoạch lần này, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển vùng động lực phía Nam (vùng động lực quốc gia) trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng đô thị TP.HCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM. Cạnh đó là kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng |
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Chính phủ thị sát, kiểm tra thi công các cao tốc qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.