Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 10 nhiệm vụ với Hà Nội
Sáng 17-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng phê duyệt.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Viết Thành
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 ngàn tỉ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 ngàn tỉ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23 ngàn tỉ đồng, đạt 28,7% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7-2024 đạt hơn 23 ngàn tỉ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 ngàn tỉ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững…
Tại cuộc làm việc, TP Hà Nội nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, như xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô...
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt.
Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Viết Thành
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý 6 điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Nội. Theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, thấp hơn mức tăng của cả nước.
Một số dự án hạ tầng chiến lược chưa bảo đảm tiến độ. Thiếu các sự kiện, chuỗi các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhiều làng nghề truyền thống và các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có dấu hiệu mai một. Tỉ trọng kinh tế số còn thấp, chuyển đổi số còn chậm. Xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023 giảm bậc so với năm 2022. Tình hình tội phạm, cháy nổ diễn biến phức tạp...
Chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng trước hết yêu cầu Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội và Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và mới nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy ngày 9-8-2024 vừa qua.
Nêu rõ 10 nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4, lưu ý việc giải phóng mặt bằng phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của bí thư cấp ủy.
Thứ hai, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Thủ đô thông minh.
Thứ tư, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính, phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương tốt nhất về các chỉ số này.
Thứ năm, từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội…
Thứ sáu, về y tế, giáo dục, dứt khoát không để thiếu thuốc, nhân lực y tế và chuẩn bị tốt cho năm học mới; làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu.
Thứ bảy, rà soát các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Thứ tám, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ chín, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân, để người dân và du khách tới Hà Nội luôn cảm thấy yên tâm tại "thành phố vì hòa bình".
Thứ mười, đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, lưu ý Hà Nội đáp ứng phản hồi, đề nghị của các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề đặt ra và phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội". |
Theo ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, mục tiêu từ nay đến năm 2035 làm xong 10 tuyến metro, với tổng chiều dài 400km là thách thức rất lớn.
Nguồn: [Link nguồn]