Thủ tướng nói rõ về cách ly toàn xã hội
Sáng 1/4, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng nêu rõ cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và TP. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.
Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc. Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”. Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đặt mức tăng trưởng cao nhất.
Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là người, những người thất nghiệp.
Thủ tướng cho biết, hôm nay, Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội quan trọng này.
“Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận, ban hành những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự nhưng trước hết đánh giá tác động trực tiếp nhất của vấn đề này là an sinh xã hội cho người dân”, Thủ tướng nói.
Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan có chức năng.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”. Thủ tướng mong "từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch".
Nhân dịp này, Thủ tướng tiếp tục biểu dương các y bác sĩ, nhân viên y tế đã lao động quên mình, chữa trị thành công các ca dương tính. Trong hoạn nạn, khó khăn do dịch bệnh, xuất hiện nhiều tấm gương đáng quý.
Doanh nghiệp cố gắng không thải hồi lao động. Có bà cụ gần 90 tuổi ở Hà Tĩnh đã mang 5 kg gạo cùng rau trong vườn đi bộ đưa tới điểm cách ly để ủng hộ người bên trong. Có em bé lấy tiền lì xì trong dịp Tết để hỗ trợ phòng chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì vận động cùng với Chính phủ, đã huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng cho phòng chống dịch. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, chưa bao giờ một khí thế đoàn kết, hỗ trợ quyết tâm như thế ở nước ta trong 3 tháng qua và đặc biệt những tháng gần đây.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tiếp tục nội dung phiên họp, Thủ tướng cho biết Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo đảm an sinh xã hội và đề nghị Chính phủ bàn, thống nhất, công bố ngay một gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong lúc khó khăn này.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2020.
Đây là thời gian có Tết Nguyên đán, hạn hán xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ diễn ra gay gắt chưa từng dó, dịch tả lợn châu Phi mới được khắc phục, giá dầu giảm sâu, đặc biệt dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề cho kinh tế toàn cầu. Các đối tác quan trọng của Việt Nam đều bùng phát dịch, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ. “Trong bối cảnh ấy, chúng ta phấn đấu không gục ngã”, Thủ tướng nói. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy vậy, sự sụt giảm, tạm ngừng sản xuất của nhiều tập đoàn, tổng công ty đã làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nước ta. Nhiều tập đoàn, đơn vị có doanh số chỉ bằng 5 % so với cùng kỳ. Do đó, Việt Nam mới đạt tăng tưởng 3,82% trong quý I/2020.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự họp đánh giá về các khó khăn, thấy được sự sụt giảm ở nhiều địa phương như TPHCM, theo báo cáo thống kê, chỉ tăng trưởng 1%. Các thành phố lớn trong cả nước mà hai đầu tàu là TPHCM và Hà Nội phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để đáp ứng tình hình phát triển, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng nêu vấn đề đổi mới cách làm khi đây được xem là lần đầu tiên nội bộ Chính phủ họp thường kỳ trực tuyến, yêu cầu đổi mới phong cách làm việc, một phong cách làm việc thời chiến, “chứ không phải bình thường để nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết nhanh hơn, tốt hơn”.
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025; Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030; Báo cáo về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Thành phố Hà Nội khẳng định, đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết,...
Nguồn: [Link nguồn]