Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sự kiện: Thời sự

Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", đẩy trách nhiệm lên trên, kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 18/11, sau phần đăng đàn của 4 Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng sẽ có 2,5 giờ (từ 14h-16h45) để trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đây được đánh giá là thời lượng nhiều hơn hẳn so với quỹ thời gian 40 phút dự kiến dành cho Thủ tướng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 mới diễn ra.

Vì đa số trong các phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ, quỹ thời gian bố trí ít trong khi danh sách các ĐBQH muốn chất vấn Thủ tướng còn nhiều nhưng hầu hết không có cơ hội chất vấn trực tiếp, phải thực hiện qua hình thức gửi văn bản.

Trước khi trả lời các câu hỏi của ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội các vấn đề chính về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc

Thủ tướng cho biết tại kỳ họp này, các ĐBQH đã gửi 76 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước được nâng lên.

“Các ĐBQH cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục”, Thủ tướng nói và khẳng định: Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung giải quyết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Cập nhật thêm một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội từ phiên khai mạc đến nay, Thủ tướng cho biết: Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12/2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%. Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ. Đặc biệt, theo Thủ tướng, Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đã có một số kết quả nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp trong nước có thể xảy ra.

Liên quan đến vấn đề đối ngoại và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp; Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra. Các ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là nông nghiệp, tiếp tục gặp khó khăn trước những rào cản thương mại, phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Việc tham gia và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế vẫn còn bất cập, thiếu đội ngũ chuyên gia, luật sư có khả năng tham gia tranh tụng quốc tế...

Làm sao để giảm khoảng cách giàu nghèo, phân hoá xã hội?

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn Thủ tướng về tình trạng và giải pháp khắc phục chênh lệch giàu nghèo, phân hoá xã hội. Thủ tướng trả lời và cho rằng, mục đích của chúng ta là nâng cao đời sống của người dân ở cả miền xuôi và miền núi, đô thị và nông thôn.

Muốn giải quyết vấn đề này, theo Thủ tướng phải tiến hành nhiều việc. Về kinh tế, phải đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu kinh tế, nâng chất lượng hiệu quả, để mang lại lợi cho xã hội nhiều hơn; Điều tiết thu nhập qua thuế tốt hơn, an sinh xã hội đảm bảo quyền lợi cần thiết cho người dân, hỗ trợ tín dụng cho dân mạnh mẽ hơn. Về ổn định chính trị, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, dân chủ công khai để người dân vươn lên, tạo điều kiện cho dân làm chủ. Về xã hội tiếp tục tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế cho người ở vùng khó khăn cần đặt ra. Ngoài ngân sách nhà nước, cần xã hội hoá mạnh mẽ việc xoá đói giảm nghèo.

“Với tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo phải quan tâm mạnh mẽ hơn, đầu tư nguồn lực nhiều hơn, quan tâm những vùng chưa có điện, đường, trường, trạm, giải quyết tốt các chính sách ta đã ban hành đến tận người dân. Nếu thực hiện đồng bộ các vấn đề này sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị tư nhân “không đưa hối lộ” các cấp

Trả lời câu hỏi của ĐB Tô Văn Tám về giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5 khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, Thủ tướng đánh giá đây là việc rất cần thiết.

Ông nhấn mạnh, có ổn định kinh tế vĩ mô thì các thành phần kinh tế mới phát triển, nên cần công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là thủ tục đơn giản hơn, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng.

“Vì thế ta vui mừng DN tư nhân trong năm nay có thể thành lập mới 125.000 DN”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ. Về giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, Thủ tướng lưu ý tiếp tục giảm chi phí, lệ phí, nhất là các chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo.

“Nhân đây tôi đề nghị tư nhân nói không với đưa hối lộ các cấp, ngành để giảm chi phí không chính thức”, Thủ tướng đề nghị. Ông cho rằng cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển như tham gia cổ phần hoá DNNN, thị trường chứng khoán ổn định. DN muốn phát triển phải xây dựng văn hoá DN, đạo đức doanh nhân, nâng cao quản trị, xây dựng được ý cho DN tư nhân Việt Nam tự tin, dám nghĩ, dám làm.

Chất vấn Chánh án TAND Tối cao kỳ án dưới chân đèo Pha Đin

ĐBQH đặt hàng loạt câu hỏi chất vấn về công tác xét xử cho Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong đó có vụ án...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu - Thanh Bình (Báo giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN