Thủ tướng: Không tăng "sốc" giá xăng, chưa tăng giá điện trong năm 2020
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến. Đồng thời, không tăng giá điện trong năm 2020.
Ngày 13-5, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2020.
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra và căn cứ các nghiên cứu, phân tích, đề xuất kịch bản điều hành giá đã được trao đổi, thống nhất, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để không tăng giá đột biến
Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ ngành địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương chung của Chính phủ là không thực hiện điều chỉnh giá trong quý II/2020, nhất là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp.
Trường hợp cần xem xét điều chỉnh trong năm 2020 thì chủ động tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ và thời điểm phù hợp để kịp thời báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý với công tác quản lý, điều hành một số mặt hàng thiết yếu.
Cụ thể với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng kết luận cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Đối với việc miễn, giảm giá điện trong 3 tháng cho một số đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo.
Đồng thời, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, chủ động thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để tránh trường hợp lỗ và treo các khoản lỗ khi thực hiện chương trình giảm giá điện hỗ trợ khách hàng; tránh gây áp lực giá trong năm 2021 và thời gian tới.
Xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá Đối với mặt hàng sách giáo khoa, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 88 của Quốc hội năm 2014. Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của phụ huynh, học sinh. Đối với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm học 2021-2022, trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành, đồng thời đề nghị các Nhà xuất bản rà soát phương án giá đã kê khai, trong đó đề nghị kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tại buổi làm việc trực tuyến với TP.HCM ngày 8-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của...