Thủ tướng: Không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu

Sự kiện: Họp Quốc hội

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu.

Trong phiên chất vấn chiều 19/11, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Thủ tướng làm rõ hơn vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Ông cũng quan tâm đến chủ trương của Chính phủ để giải quyết vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đã trình bày vấn đề nợ xấu trong báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Thủ tướng: Không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu

“Chỉ có một điều tôi nói rõ với đại biểu Nam là chúng ta không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách để làm cái việc này. Không có thì có khó khăn hơn, nhưng chúng ta vẫn giải quyết được theo cách của chúng ta mà tôi đã trình bày”.

Đến năm 2015, Chính phủ phấn đấu nợ xấu trong hệ thống tín dụng trở về ở mức khoảng 3% - mức thông thường trong kinh tế thị trường, nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội chiều 19/11, kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến tháng 9 năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu (465 nghìn tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm, ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%.

Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ.

Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường.

Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Kiểm tra, giám sát, thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch về sở hữu và tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, trích lập dự phòng rủi ro và thúc đẩy mua bán, sáp nhập tổ chức tín dụng theo quy định. Hoàn thiện thể chế luật pháp để xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thủ tướng cho rằng, đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xử lý nợ xấu của doanh nghiệp. Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN