Thủ tướng: "Có những con đường qua 13 đời bộ trưởng chưa xong"

Sự kiện: Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ hiện có nhiều dự án kéo dài, đây là nguyên nhân trực tiếp gây lãng phí.

Chiều 24-7, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Phát biểu tại đoàn ĐBQH Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dù chúng ta đã hoàn thiện nhiều về thể chế, nhưng “ai cũng thấy có những cái lãng phí”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ chiều 24-7. Ảnh: Hoàng Hải

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ chiều 24-7. Ảnh: Hoàng Hải

“Nói cần phải tiết kiệm nhưng chúng ta cũng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn”- Thủ tướng nói và cho rằng, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, vừa phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, siết chặt kỷ luật kỷ cương… thì chúng ta mới thực hiện tiết kiệm một cách hiệu quả hơn. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc chi có tính chất sự nghiệp, sửa đường sá… có sơ hở về thể chế, quy định do đó dễ bị tác động. Ông cũng đề nghị siết chặt hơn nữa các khoản chi cho xe cộ đi lại, điện, nước… 

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 nói rõ, tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng, chống COVID-19 và những việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. “Chúng tôi đề nghị anh Phớc, Bộ trưởng Tài chính, phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách”- Thủ tướng nói và nhấn mạnh “song song với thể chế, kỷ luật chi tiêu, kỷ luật xây dựng ngân sách phải được quan tâm”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ hiện có nhiều dự án kéo dài, đây là nguyên nhân trực tiếp gây lãng phí.

“Trong đánh giá của Chính phủ cũng như thẩm tra của các uỷ ban đều khẳng định dự án bị chia cắt, manh mún, kéo dài. Đây chính là cái lãng phí”- Thủ tướng nói và cho biết ông đang suy nghĩ giải pháp. 

“Mình phải kết hợp hài hòa giữa giải pháp “từ dưới lên” và giải pháp “từ trên xuống”. Nếu cứ giải pháp “từ dưới lên” thì như ĐB Lê Thanh Vân đã nói nhu cầu của chúng ta lớn lắm. Chi đầu tư cho phát triển của chúng ta là 2 triệu 870 nghìn tỉ, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu các địa phương, bộ ngành đưa lên”- Thủ tướng nói.

Ông chỉ rõ nếu căn cứ theo nhu cầu thì ở địa phương, tỉnh phụ thuộc vào huyện và các sở ngành, huyện nào cũng muốn mình có công trình. “Đây là nhu cầu đúng thôi, nhất là hạ tầng và các công trình an sinh xã hội… Cái này ai cũng muốn cả”- Thủ tướng nói thêm. 

Nhắc lại giai đoạn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng cho biết năm 2011, Quảng Ninh có 3.650 dự án, trong khi ngân sách chi cho đầu tư phát triển chỉ có 3.000 tỉ đồng. “Mỗi một dự án chưa được 1 tỉ đồng, nó manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn cả. Quan trọng nhất là dự án kéo dài, hệ số ICOR rất lớn và cái chính là lãng phí nguồn lực”- Thủ tướng nhấn mạnh.

“Vừa qua, các tỉnh có lên trao đổi với tôi. Có những con đường 400- 500 tỉ đồng trải qua 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong. Các đồng chí tưởng tượng dự án cứ kéo dài hàng chục năm, hàng chục năm…”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng công trình xây dựng trụ sở của Bộ Ngoại giao khởi công cùng lúc với công trình của Bộ Công an nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành.

“Công trình của Bộ Công an là 5.000 tỉ, công trình của Bộ Ngoại giao là 2.200 tỉ. Năm 2010, tôi chuẩn bị vào ĐH 11, chúng tôi kết thúc được công trình đó, quyết toán trước khi tôi đi Quảng Ninh là khoảng 5.000 tỉ và đưa vào khai thác hơn 11 năm nay rồi. Còn bây giờ trụ sở của Bộ Ngoại giao vẫn kéo dài cho đến bây giờ” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho hay, kinh phí xây dựng công trình trụ sở của Bộ Ngoại giao đã phải tăng thêm, dự kiến khoảng hơn 7.000 tỉ, trong khi nếu đầu tư hoàn thành ngay chỉ mất hơn 2.000 tỉ.

“Chúng tôi đang chỉ đạo rà soát 11.100 dự án của các khóa trước. Vừa rồi, các đồng chí đề xuất tổng hợp lên khoảng hơn 7.000, sau đó Thường trực Chính phủ quyết định phải dưới 5.000 và còn cắt nữa. Mấy ngày nay, các ĐBQH phát biểu và chúng tôi có cơ sở để tiếp tục cắt, đặc biệt là những dự án chưa được phê duyệt. Cái này quan trọng lắm các đồng chí ạ. Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tí, một tí thì kéo dài, không tạo ra được động lực”- Thủ tướng nói thêm.

Theo Thủ tướng, chúng ta rà soát các dự án đầu tư, đổi mới việc chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm soát các tiến độ công trình… sẽ là những  giải pháp khắc phục việc đầu tư chậm trễ. 

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thêm chỉ số ICOR Việt Nam phấn đấu nhiều năm vẫn chưa kéo giảm xuống được, đang xếp vào loại rất cao. “Các nước đầu tư 3 đồng thu lại 1 đồng, nhiều lắm là 4 đồng. Ta hiện nay là 6,3 đồng mới thu được 1 đồng. Cái này lãng phí và kéo dài thời gian, làm cho nguồn lực hao hụt”- Thủ tướng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tuyến đường sắt 100.000 tỉ đồng: Lãng phí và vô lý

Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đánh giá dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 8...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN