Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn: Chống Covid-19 bằng cả trái tim, khối óc
Chúng tôi là chiến sĩ, sẵn sàng tuân thủ mọi mệnh lệnh cấp trên giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, chống dịch bằng cả trái tim và khối óc...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - người tình nguyện ở lại tâm dịch cùng Đà Nẵng chiến đấu với Covid-19 suốt một tháng qua. Ảnh: TL
Sau gần một tháng kể từ khi xin phép Thủ tướng ở lại trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng một số nhân viên rời Đà Nẵng ra Hà Nội vào hôm nay (21/8) do dịch đã được kiểm soát. Trước khi lên đường, ông đã dành thời gian trò chuyện cùng Báo Giao thông.
Dịch đã bắt đầu được kiểm soát
Khi Đà Nẵng bùng phát thành “tâm dịch” Covid-19, phản ứng của Bộ Y tế thế nào?
Kể từ ngày 23/7, sau khi nắm thông tin các Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng liên quan đến các ca mắc Covid-19, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo Bộ Y tế là phong tỏa các bệnh viện này để tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành giám sát số lượng người trở về từ Đà Nẵng.
Sáu ê-kip lập tức được Bộ Y tế điều động đến Đà Nẵng, bắt tay vào việc ngay để phong tỏa 3 bệnh viện. Tiếp đó là xây dựng căn cứ địa cho ngành Y tế Đà Nẵng ở Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, thiết lập được cơ sở điều trị phù hợp với việc tiếp cận các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân nặng. Đến ngày 18/8, 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo được điều trị ổn định tại Bệnh viện T.Ư Huế đã được đưa trở lại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng để tiếp tục chạy thận.
Đến nay, chúng ta đã tìm ra các điểm nóng, vùng nguy cơ ở Đà Nẵng. Hàng loạt giải pháp phòng, chống, kiểm soát được triển khai. Đáng kể, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng tăng lên rất mạnh từ hơn 1.000 mẫu/ngày lên gần 50.000 mẫu/ngày và có thể hơn nữa. Chúng ta đã biết được các đối tượng F1 để cách ly tập trung và thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2. Những biện pháp được thực thi một cách hoàn chỉnh thì chúng tôi cảm thấy an tâm.
Hôm 2/8, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phòng chống dịch Covid-19, ông đã xin phép Thủ tướng ở lại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch mới về. Vì sao ông lại quyết định như vậy?
Trực tiếp vào Đà Nẵng, chúng tôi hứa với Thủ tướng là khi nào dịch ổn định mới về là vì trách nhiệm và trái tim đối với thành phố đáng sống này. Ai cũng mong muốn Đà Nẵng ổn định vượt qua dịch. Chúng tôi là chiến sĩ, sẵn sàng tuân thủ mọi mệnh lệnh cấp trên giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, chống dịch bằng cả trái tim và khối óc. Đến nay, với những kết quả bước đầu đạt như kỳ vọng, có thể khẳng định dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã bắt đầu được kiểm soát.
Đau buồn khi có ca bệnh tử vong
Khác với đợt trước, lần này đã có khá nhiều ca tử vong liên quan đến Covid-19, theo ông nguyên nhân vì đâu?
Thực tế lần này, dịch bệnh tấn công vào nhóm bệnh nhân yếu thế có bệnh nền nặng, khác với các ca mắc ở giai đoạn 1. Là những người làm trong ngành Y, chúng tôi đã tiên lượng điều này. Những người bệnh có bệnh lý nền mãn tính, đặc biệt là các bệnh nhân suy thận mãn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của Covid-19 như giọt nước làm tràn ly. Chúng tôi rất đau buồn mỗi khi có thêm một bệnh nhân tử vong. Chúng tôi càng nỗ lực hơn mỗi ngày để tiếp tục thực hiện các biện pháp một cách tốt nhất cứu chữa cho các bệnh nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (giữa) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện 199 - Bộ Công an đóng tại Đà Nẵng
Khác với đợt trước, lần này đã có khá nhiều ca tử vong liên quan đến Covid-19, theo ông nguyên nhân vì đâu?
Thực tế lần này, dịch bệnh tấn công vào nhóm bệnh nhân yếu thế có bệnh nền nặng, khác với các ca mắc ở giai đoạn 1. Là những người làm trong ngành Y, chúng tôi đã tiên lượng điều này.
Những người bệnh có bệnh lý nền mãn tính, đặc biệt là các bệnh nhân suy thận mãn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của Covid-19 như giọt nước làm tràn ly. Chúng tôi rất đau buồn mỗi khi có thêm một bệnh nhân tử vong.
“PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964 tại TP HCM. Ông có 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2004, ông là Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và liên tục được bổ nhiệm 3 nhiệm kỳ làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (từ 2008 - 2018), là một trong những trường hợp rất hiếm của Bộ Y tế. Tháng 11/2018, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Sơn được đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như quản lý với những đóng góp lớn cho ngành Y tế, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là nỗ lực trong việc phát triển kỹ thuật cao, công tác ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc máu ngoại biên.” |
Chúng tôi càng nỗ lực hơn mỗi ngày để tiếp tục thực hiện các biện pháp một cách tốt nhất cứu chữa cho các bệnh nhân.
Nhưng thực tế là ngày càng có nhiều bệnh nhân nặng được chữa khỏi, vì sao vậy?
Việc điều trị người bệnh phụ thuộc vào 2 yếu tố: Tuân thủ phác đồ điều trị và thực hiện cá thể hóa dựa trên phác đồ được Bộ Y tế ban hành. Mỗi bệnh nhân có đặc trưng khác nhau.
Chẳng hạn như biểu hiện khó thở của bệnh nhân này khác với bệnh nhân khác, suy thận của bệnh nhân này khác diễn biến của bệnh nhân khác. Nên việc cân, đong, đo, đếm, cá thể hóa trong quá trình điều trị luôn được chúng tôi chú trọng, đặc biệt là với những bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền, người cao tuổi.
Trên tuyến đầu chống dịch, các y, bác sĩ đang ngày đêm căng sức để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, ngoài cộng đồng, không ít người vẫn rất chủ quan, lơ là, điển hình là vụ nhiều người đã dự đám tang ở Trần Cao Vân, Đà Nẵng, trong đó có 3 ca mắc Covid-19 đã tới dự. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ từ những trường hợp như vậy?
Đám tang tại Trần Cao Vân là tình huống đáng tiếc trong thời điểm mà toàn thể chính quyền, Ban Chỉ đạo, người dân thành phố đang thực hiện rất nghiêm quy định về giãn cách xã hội. Chính quyền Đà Nẵng cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong quy định thực hiện giãn cách.
Chỉ thị 16 đã thực hiện rất hiệu quả trong giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2 dịch Covid-19 bùng phát. Những yếu tố, nguyên tắc của Chỉ thị 16 áp dụng một cách triệt để, nghiêm túc thì vẫn còn nguyên giá trị. Nếu thực hiện tốt Chỉ thị 16 thêm một thời gian, đảm bảo người này không lây cho người bên cạnh, nhà này không lây sang nhà khác và cộng đồng được giãn cách thì việc bùng phát dịch Covid-19 lần nữa rất ít có khả năng.
Chúng tôi đề cao vai trò của các tổ phòng dịch Covid-19 cộng đồng trong các khu dân cư. Nếu được tuyên truyền, thực hiện tốt sẽ góp phần phát hiện ra các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng như ho, sốt ….
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với PV Báo Giao thông về công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng
“Ông ngoại bắt được con virus chưa?”
Tình nguyện xin ở lại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo chống dịch, một ngày của ông diễn ra thế nào?
Đúng là nơi tâm dịch rất nhiều áp lực. Chúng tôi thực hiện các buổi trao đổi giữa các tổ nhóm giữa các bệnh viện vào mỗi buổi tối.
Sáng hôm sau, bộ phận thường trực đặc biệt với 2 nhóm (nhóm về điều trị và nhóm dịch tễ) sẽ đến từng đơn vị điều trị ở Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng để tìm hiểu khó khăn của các bác sĩ, làm báo cáo hàng ngày để báo cáo Bộ Y tế. Chúng tôi rất vui vì những quyết định điều chuyển sinh phẩm, máy móc, thiết bị, con người từ các bệnh viện, cơ sở y tế, viện nghiên cứu đều được đáp ứng một cách nhanh chóng.
Đây có lẽ là một trong những đợt công tác dài nhất, đặc biệt nhất của ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?
Nếu hoàn thành nhiệm vụ ở Đà Nẵng thì tôi phải ra Hà Nội, mà nhà tôi lại ở TP HCM. Nhưng giờ chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước đây. Ngày xưa chỉ có thư từ, nhưng giờ có mạng xã hội nên ngày nào tôi cũng được gặp các thành viên trong gia đình. Cháu ngoại bảo rất nhớ ông, hỏi “ông đã bắt được con virus chưa?!”. Tôi cảm thấy rất an tâm khi có gia đình ở hậu phương giúp mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trực tiếp ở lại tâm dịch Đà Nẵng suốt gần một tháng qua, những câu chuyện nào khiến ông ấn tượng?
Ngành Y thì có nhiều chuyện xúc động lắm. Đầu tiên là nhìn thấy hình ảnh các y, bác sĩ trong những bộ đồ bảo hộ rất nóng, mồ hôi đầm đìa. Rất nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức sau khi thoát ra khỏi bộ đồ bảo hộ. Rồi những buổi họp xuyên đêm, xuyên trưa của Ban chỉ đạo, của Sở Y tế, các bệnh viện. Rồi những y, bác sĩ không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Thậm chí, có những người dân không có chuyên môn về y tế song sẵn sàng tình nguyện vào tâm dịch để giúp đỡ các y, bác sĩ. Mới đây tôi vừa gặp một người sống tại TP HCM, dù không có chuyên môn y tế nhưng đã tình nguyện ra Đà Nẵng từ hôm dịch bùng phát đến nay để làm công việc vận chuyển mẫu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu. Đó là những điều trân quý, rất cảm động.
Cảm ơn ông!
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Đà Nẵng đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất Ngay khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, bùng phát và có diễn biến khó lường, đẩy Đà Nẵng đối diện với những mối nguy từ dịch bệnh, đòi hỏi chính quyền thành phố có những biện pháp mạnh mẽ, hành động khẩn trương. Rất may mắn, chính quyền, ngành Y tế và nhân dân Đà Nẵng đã nhận được sự hỗ trợ của đông đảo y, bác sỹ trên cả nước và trực tiếp PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Có những thời điểm, có những tình huống khiến Đà Nẵng lúng túng. Nhưng nhờ có sự tư vấn, khuyến cáo, chỉ đạo, góp ý chuyên môn kịp thời của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nên Đà Nẵng đã “hóa giải” được những nguy cơ về dịch bệnh có thể xảy ra. Với tình cảm yêu mến Đà Nẵng và cao hơn cả là trách nhiệm trước sự an nguy của thành phố, đất nước khi xảy ra dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tình nguyện ở lại giữa tâm dịch Đà Nẵng, chiến đấu với dịch Covid-19 với tất cả kinh nghiệm, tâm huyết, năng lực chuyên môn. Nhờ sự kề vai, sát cánh của Thứ trưởng, cùng sự tiếp sức, “chia lửa” của đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia từ các tuyến bệnh viên Trung ương, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Đại Thắng (Ghi) |
Gói an sinh hỗ trợ đối tượng gặp khó vì COVID- 19 của Chính phủ vẫn đang lan tỏa tới các hộ dân gặp khó khăn. Tuy nhiên,...
Nguồn: [Link nguồn]