Thứ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ viếng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sự kiện: Thời sự

Ngày 26/1, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã thay mặt Chính phủ đến viếng, lưu sổ tang tại lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng đoàn công tác đã đến viếng, lưu sổ tang tại lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cùng đi có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ và đoàn của Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng đoàn công tác đang vào viếng, lưu sổ tang tại lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trưa 26/1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng đoàn công tác đang vào viếng, lưu sổ tang tại lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trưa 26/1

Tại lễ viếng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã chuyển lời chia buồn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đến các tăng ni, phật tử, đồ đệ của Thiền sư.

Trước đó, ngày 25/1, đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm trưởng đoàn đã đến viếng Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn được gọi Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.

Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ…

Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng

Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Ông từng tham gia thành lập Viện đại học Vạn Hạnh và Nhà xuất bản Lá Bối, Tổng biên tập tạp chí Phật Giáo Việt Nam.

Ông được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.

Tháng 5/1966, ông rời Việt Nam; hoạt động qua nhiều nước và ông là người thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp...

Sau 39 năm rời Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008…

Tháng 10 năm 2018, Thiền sư trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông từng được mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình vào năm 1967.

Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu.

Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, rạng sáng ngày 22/1 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, nơi Thiền sư đã xuất gia cách đây tám mươi năm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những câu nói chạm đến triệu trái tim

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy hướng dẫn tâm linh, là một nhà văn hóa, nhà thơ, học giả, hoằng pháp ở nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Lợi ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN