Thứ trưởng Bộ GTVT "phân trần" về việc "rút" quy định bật đèn nhận diện xe máy ban ngày

Trước thông tin về việc Bộ GTVT "rút" quy định bật đèn nhận diện xe máy ban ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã có trao đổi rõ hơn với PV Dân việt.

Cụ thể, tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) diễn ra sáng nay (2/6), bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, sẽ không quy định "cứng" thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn nhận diện vào ban ngày đối với xe máy. Thay vào đó chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.

Bộ GTVT khẳng định không rút quy định bật đèn nhận diện xe máy vào ban ngày. (Ảnh IT)

Bộ GTVT khẳng định không rút quy định bật đèn nhận diện xe máy vào ban ngày. (Ảnh IT)

Xuất phát từ những thông tin bà Nga chia sẻ, nhiều người cho rằng, Bộ GTVT đã "rút" lại quy định bật đèn nhận diện xe máy ban ngày. Để làm rõ về thông tin này, trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Thông tin rút quy định bật đèn nhận diện xe máy ban ngày là chưa chính xác, hiện, Bộ GTVT đang ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu".

Theo đó, Bộ GTVT sẽ xem xét, bật đèn nhận diện cả ngày, hay là vào các khung giờ cần thiết. "Ví dụ: Thời gian từ 5h – 7h sáng là thời điểm ánh sáng yếu, thì có thể bật đèn nhận diện, hay vào khung giờ từ 16h – 18h chiều, hoặc là trời mưa gió, mưa phùn, nhiều mây đen,...", Thứ trưởng Lê Đình Thọ lấy ví dụ.

Giải thích rõ hơn về đèn xe máy được bật như thế nào, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: "Quan điểm của Bộ GTVT là lúc trời nắng quá cũng không bật đèn nhận diện. Đèn nhận diện là đèn Led không tiêu tốn năng lượng, chứ không phải là đèn pha của xe. Cần phải giải thích rõ hơn để người dân hiểu để tránh hiểu lầm là bật đèn pha vào ban ngày".

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển đất nước là vấn đề quan trọng. Ngành GTVT có 5 luật tương ứng với 5 lĩnh vực, trong đó, Luật GTĐB năm 2008 đã thực hiện được 10 năm. Khi xây dựng Luật GTĐB năm 2008 cũng đã được xây dựng chất lượng, có tầm nhìn, được thực hiện ổn định trong 10 năm, đã tạo hành lang pháp lý cho ngành đường bộ phát triển.

Luật cũng đã dự báo, đề cập chi tiết, các quy tắc giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo đã tiệm cận với các nước phát triển. Thêm nữa, quy định về con người, phương tiện cũng không thua kém các nước, hành lang pháp lý quản lý không có nhiều bất cập nếu so với nhiều nước. Đơn cử như Thái Lan đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam đối với quy định lắp thiết bị GSHT.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định tạo lập hành lang pháp lý ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý. Với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, trước hết là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên đi trước 1 bước, vì vậy, xây dựng Luật GTĐB phải tạo được hành lang pháp lý, có cơ chế chính sách chủ trương đầu tư hạ tầng ổn định.

"Đến nay thủ tục trình Luật GTĐB sửa đổi đã trình Quốc hội khóa 9 thông qua chủ trương, đến tháng 10 sẽ trình Quốc hội thảo luận, đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật. Hiện dự thảo Luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến đóng góp Luật càng hiệu quả, có hành lang cho sự phát triển ổn định", Thứ trưởng Thọ nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc bật đèn nhận diện xe máy vào ban ngày là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn, hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học.

"Cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày tránh tình trạng người dân hiểu là đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu mô tô, xe gắn máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ có quy định yêu cầu bật đèn chiếu sáng xe máy ngay cả khi di chuyển vào ban ngày gây không ít tranh cãi trong dư luận.

Chi tiết của quy định này như sau: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau (Khoản 3, Điều 27).

Theo các chuyên gia đánh giá, đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light) là loại đèn nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường. Quy định trang bị đèn DRL xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011 tại các nước châu Âu. Tới nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng bật đèn ban ngày khi vận hành xe.

Về cơ bản khi vận hành xe máy hay ôtô vào ban ngày, đèn DRL hay cả đèn chiếu sáng gần, đèn pha đều không có tác dụng chiếu sáng. Việc bật đèn này nhắm mục đích chính là tăng khả năng nhận diện của xe bởi các phương tiện giao thông khác, qua đó giảm tai nạn giao thông.

Chuyên gia giao thông: ”Nóng 40 độ C còn bật đèn xe thì rất khổ”

Theo các chuyên gia giao thông, đề xuất bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Anh ([Tên nguồn])
Đề xuất xe máy phải bật đèn suốt cả ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN