Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2015 giảm”

“Kết quả thi đại học năm nay tốt hơn so với năm ngoái nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015 lại giảm”.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Năm nay, điểm thi không công khai. Tất cả thí sinh đều biết kết quả của mình nhưng người khác không thể biết điểm cụ thể của từng thí sinh.

Trong ngày công bố điểm thi, trang tra cứu của Bộ GD-ĐT bị tê liệt khoảng 2 giờ đồng hồ. Xung quanh vấn đề kết quả thi và nghẽn mạng tra cứu, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2015 giảm” - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thưa Thứ trưởng, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia, xin ông đánh giá về tình hình điểm thi và phổ điểm của kỳ thi năm nay?

Hiện tại, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng đang thống kê về phổ điểm trên cả nước. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ được chính thức công bố trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, kết quả thi đại học năm nay tốt hơn so với năm ngoái. Nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015 lại giảm so với mọi năm. Điều này do đề thi bao gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% thuộc phần khó, đòi hỏi thí sinh phải có trình độ nhất định mới làm được.

Theo ông, với kết quả thi năm nay, các trường sẽ gặp khó như thế nào?

Với kết quả thi năm nay và đánh giá sơ bộ các trường cho thấy kết quả thi ĐH tốt hơn, phổ điểm phân bố ở khu vực trung bình 5-6 điểm chiếm đa số. Với phổ điểm như vậy các trường ở top giữa sẽ tuyển sinh dễ dàng. Còn các trường top cao tuyển sinh khó hơn vì giảm thí sinh đạt 9-10. Tuy nhiên, theo quy chế, thí sinh biết điểm rồi mới đăng ký vào trường nên khâu tuyển sinh sẽ không gặp khó khăn.

Riêng năm nay, tại sao Bộ GD-ĐT lại tập hợp dữ liệu của tất cả cụm thi mới công bố thay vì để các cụm tự công bố sau khi chấm, thưa ông?

Do tính chất của kỳ thi năm nay khác với mọi năm nên việc công bố cũng sẽ khác. Năm nay, kết quả thi sẽ được nhập chung vào dữ liệu của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi thấy, các cụm thi công bố điểm sau khi chấm chưa thực sự cần thiết. Nếu công bố kết quả dữ liệu thô thì thí sinh cũng chưa biết có đỗ tốt nghiệp hay không. Điều này còn phụ thuộc vào Hội đồng xét tốt nghiệp phổ thông và kết quả rèn luyện tại trường.

Mặt khác, sẽ có một số trường sử dụng dữ liệu này để gửi giấy báo cho thí sinh không đăng ký xét tuyển. Vì vậy, Bộ GD-ĐT quyết định quản lý trực tiếp cơ sở dữ liệu thô để đảm bảo an toàn tuyệt đối và bảo mật tuyệt đối trên hệ thống.

Được biết, ngay từ đầu, một số trường đại học đã đề xuất với Bộ GD-ĐT cùng công bố điểm thi nhưng Bộ đã không đồng ý. Thực hư điều này ra sao, thưa ông?

Các trường không đề xuất. Các cụm thi có đề xuất sẽ công bố dữ liệu thi. Nhưng rõ ràng, khác với mọi năm, thí sinh thi vào trường nào thì xét tại trường ấy còn năm nay, thí sinh thi tại cụm thi, các em có thể nộp đơn vào bất cứ trường nào, không chỉ trường nơi các em thi. Do đó, Bộ GD-ĐT tập hợp lại để công bố cùng lúc.

Vậy, phân công thêm cho 8 trường đại học chủ trì cụm thi được công bố điểm do Bộ GD-ĐT quyết định từ bao giờ, thưa ông?

Ngay từ thời điểm Bộ GD-ĐT nhận cơ sở dữ liệu và nhận thấy với khối lượng dữ liệu đồ sộ như thế nếu chỉ có một đường truyền duy nhất thì không thể chịu tải nổi khi có tới hàng triệu thí sinh và không chỉ thí sinh, còn người nhà truy cập cùng một hệ thống. Do đó, chúng tôi tính toán phân toán nhỏ ra để cắt bớt truy cập...

Tại sao Bộ GD-ĐT không công bố sớm để các trường chuẩn bị tốt hơn, thưa ông?

Khi có dữ liệu đầy đủ, Bộ GD-ĐT mới tính toán được. Dữ liệu Bộ GD-ĐT còn phải rà soát, định dạng, gửi lại về các cụm thể để kiểm tra lại. Do đó cần rất nhiều thời gian, không thể làm ngay được. Sau khi hoàn tất xử lý dữ liệu, chúng tôi cũng phải rà soát xem trường nào đủ khả năng công bố dữ liệu.

Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm thế nào về việc công bố điểm thi cho thí sinh trong kỳ thi năm tới?

Nếu năm nay chọn 8 máy chủ của các trường cùng máy chủ của Bộ ban đầu chưa đủ sức tải thì năm sau sẽ mở rộng hơn để truy cập được tốt. Tuy nhiên tất cả các cụm thi công bố thì rất khó vì cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương chưa được tốt. Do đó, năm sau, Bộ GD-ĐT sẽ nhân rộng các trường được giao nhiệm vụ cung cấp điểm thi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN