"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa"

Sự kiện: Cây sưa Vĩnh Phúc

Dù đã qua thời kỳ “bão sưa” nhưng nhờ cây sưa đỏ mà thôn Làng Chanh (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã thay da đổi thịt.

"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa" - 1

Từ khi có cây sưa, nhiều ngôi nhà lầu đã xuất hiện ở thôn Làng Chanh

100% hộ dân trong thôn trồng sưa

Cách Hà Nội chừng hơn 70km, thôn Làng Chanh, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc được coi là thủ phủ sưa đỏ ở miền Bắc. Nơi đây không chỉ trồng nhiều cây sưa đỏ mà còn là vựa ươm, mỗi năm cung cấp hàng triệu cây sưa giống đi khắp cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài.

Nằm ở địa điểm lý tưởng, ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo nên khí hậu quanh năm mát mẻ, cây trồng tại thôn Làng Chanh phát triển rất thuận lợi. Không hổ danh là "thủ phủ" sưa, điều dễ nhận biết khi đến nơi này, đó là sưa được trồng ở khắp nơi.

Người ta tận dụng từ bờ ao, bờ ruộng, vệ đường, hay các mảnh đất trong vườn, xung quanh nhà… để trồng sưa. Nói chung là, đất trống chỗ nào, chỗ đó người ta trồng sưa. Vào sâu bên trong núi, sưa được trồng thành hàng, lối thẳng tăm tắp, rộng cả vài hec-ta.

"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa" - 2

Khắp đường làng, bờ ao, vườn tược trong thôn Làng Chanh đều được tận dụng để trồng sưa

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lăng Văn Hiếu – Bí thư chi bộ thôn Làng Chanh. Hỏi ra mới biết, gia đình ông Hiếu cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng, ươm và buôn bán gỗ sưa.

Chỉ tay vào ngôi nhà mới, khang trang như biệt thự ở vệ đồi của gia đình, ông Hiếu nói: “Tất cả là nhờ vào sưa cả đấy chứ ở vùng đất này, chú bảo làm gì ra tiền nhiều thế mà xây nhà”.

Theo ông Hiếu, cách đây chừng hơn 10 năm trước, vùng đất Làng Chanh chủ yếu là làm nông nghiệp, trong vườn nhà, vệ đồi, người dân trồng cây ăn quả như vải, nhãn, xoài… Thế nhưng, khoảng năm 2005-2006, thương lái ở đâu đánh xe về làng lùng sục hỏi mua hết các cây gỗ sưa.

Lúc ấy, trong làng có gia đình ông Lăng Văn Bắc (chú ruột ông Hiếu) có vườn sưa hơn 10 năm tuổi. Vốn chỉ là những cây trồng trong vườn nhà lấy bóng mát, nay sưa được thu mua đắt hơn vàng khiến ông Bắc và người dân không khỏi sững sờ.

"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa" - 3

Thời điểm “sốt” giá, người ta bán cả 10 triệu/kg hạt sưa giống

Từ những cây sưa của ông Bắc, những người trong dòng họ Lăng đi tiên phong trong việc ươm cây, bán giống. Họ đi lên rừng, xuống thành phố tìm, thu mua quả sưa, hạt sưa về ươm cây. Hàng làm ra đến đâu, bán hết đến đó, thậm chí không đủ hàng cho khách.

Thấy lợi nhuận cao từ việc ươm sưa, người dân Làng Chanh đua nhau mở các vườn ươm, họ phá hết vải, nhãn, xoài… trong vườn để trồng sưa.

“Thôn có 201 hộ thì 100% các hộ đều trồng sưa. Nhà nào ít thì trồng vài cây trong vườn, nhà nhiều thì đầu tư mua cả vài hec-ta đất trồng sưa”, ông Hiếu chia sẻ.

Xây nhà lầu, mua ô tô từ cây sưa

Từ khi có cây sưa, thôn Làng Chanh sôi động hẳn lên. Từ một vùng thuần nông, thuộc dạng nghèo của xã vùng núi Tam Quan và ít người biết đến, thôn Làng Chanh đã khang trang hơn rất nhiều. Đường làng, ngõ xóm được trải bê tông sạch sẽ, nhiều ngôi nhà tầng mọc lên giữa những vườn sưa.

"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa" - 4

Chị Lụa từng phải xuống Hà Nội leo trèo để vặt quả sưa về ươm giống

Thời điểm sưa “sốt”, rất đông người từ khắp nơi tìm về Làng Chanh để mua sưa giống. Ô tô, xe máy ra vào nhộn nhịp đường làng. Những người đàn ông trong làng đổ đi khắp nơi trên cả nước để thu mua gỗ sưa, có khi mấy tháng mới về nhà.

Chị Lê Thị Lụa – chủ một vườn ươm cho hay, khoảng những năm 2005, chị phải xuống Hà Nội leo trèo, vặt những quả sưa ở công viên Bách Thảo, gò Đống Đa… mang về ươm.

“Sưa giống làm không đủ bán. Khách từ mãi trong Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Nai hay Hà Giang, Tuyên Quang đặt hàng. Thời điểm đó, cây không kịp lớn nên tôi bán cả hạt, giá bán lên đến cả 10 triệu đồng/kg”, chị Lụa chia sẻ.

Từ khoảng sau năm 2010, sưa bắt đầu hạ “sốt”. Hầu hết những cây sưa đến tuổi khai thác đã được thương lái lùng sục hết. Còn những cây sưa mới trồng từ sau đợt cao điểm chưa đến thời kỳ thu hoạch.

"Thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc đổi thay chóng mặt sau cơn "bão sưa" - 5

Những cây sưa giống hiện tại không còn cao điểm nữa nhưng người dân vẫn “bán được”

Cây giống tuy không còn chạy như trước nữa nhưng theo chị Lụa là vẫn “bán được”. Hiện tại, cây sưa giống dưới 1 mét có giá 1-2 ngàn đồng/cây, cây trên 1 mét có giá 7-8 ngàn/cây; hạt sưa giống có giá 400-500 ngàn đồng/kg.

Dù đã qua thời kỳ cao điểm, nhưng nhờ vào cây sưa, cuộc sống của người dân thôn Làng Chanh thực sự đã thay đổi. Những người trồng, ươm, buôn bán gỗ sưa đều khá giả, nhiều gia đình phất lên xây được nhà lầu, mua xe hơi.

Ông Lăng Văn Nam – Trưởng thôn Làng Chanh thống kê, số hộ nghèo trong thôn hiện này chỉ còn 13/201 hộ. Hầu hết, những hộ nghèo này là do nhà có người mang trọng bệnh hoặc những người già cô đơn, quả phụ… còn những hộ khá giả, đa phần phất lên từ cây sưa.

Cận cảnh căn nhà gỗ sưa đỏ được trả giá trăm tỉ đồng, chủ nhân vẫn không bán

Mua khung nhà từ một người bạn với giá 350 triệu đồng, đến khi dựng nhà nhóm thợ phát hiện căn nhà hoàn toàn bằng gỗ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN