Thủ phủ heo “giữ của” tất bật làm hổ vàng ngậm ngọc đón Tết
Các xưởng sản xuất, gia công gốm tại Bình Dương đang hối hả cho ra lò hàng chục ngàn heo đất, hổ vàng mỗi ngày để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nhâm Dần.
Gần 1 tháng đến Tết Nguyên đán, những lò gốm ở xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) tấp nập sản xuất heo đất, hổ đất để chuyển hàng cho các xưởng gia công trên địa bàn tỉnh trang trí, xuất bán ra thị trường.
Tại xưởng gốm rộng khoảng 2.500m2 của chị Nguyễn Hồng Hợp, hàng chục công nhân người đổ khuôn, cạo ba ria, người cho thành phẩm xuất xưởng.
Không khí lao động rất nhộn nhịp, khắp các lò của xóm “heo đất”. Sau khi gỡ khuôn khoảng 1 tiếng, những con heo đất khô dần, quá trình khuôn đổ để lại những ba ria, công nhận cạo đi những viền đất thừa này cho hình dáng được trơn tru, mịn màn hơn. Các công nhân cho biết, trung bình mỗi ngày một người cạo ba ria được khoảng 400 - 500 con.
“Ngày bình thường, xưởng gốm sản xuất heo đất, năm nào cứ trước Tết Nguyên đán khoảng 4 tháng tôi lại đặt khuôn hình con giáp của năm đó. Dịp Tết hàng năm lại tăng số lượng gấp đôi. Năm nay tôi làm 500 khuôn con hổ để đổ một ngày 1.000 con, dùng 1.000 khuôn heo đất đổ 2.000 con”, chị Hợp cho biết.
Hổ được tạo hình đang bước đi trên những thỏi bạc, xấp tiền xu, miệng ngậm ngọc mang ý nghĩa tài lộc năm Nhâm Dần. Phía sau hổ được khoét sẵn lổ nhỏ để người dùng “giữ của”.
Chủ xưởng cho biết, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát xưởng phải ngưng sản xuất, 2 tháng nay mới hoạt động trở lại để cung cấp hàng cho các mối. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hiện lò đã có mối đặt sẵn nên chỉ lo thiếu người làm chứ không lo mối tiêu thụ.
Sau hơn một tiếng phơi nắng, hổ đất thành hình, được tháo rời khỏi khuôn, tiếp tục phơi trong hai tiếng rồi mới cho vào lò nung. Những chiếc khuôn theo năm con giáp sau khi được sử dụng, qua năm lò gốm phải vứt bỏ để đặt hình con khác. Theo chủ xưởng, mỗi khuôn đặt có giá từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc tuỳ kích cỡ.
Hàng nghìn hổ đất được xếp gọn gàng thành nhiều lớp tại khu vực gần lò nung để chờ cho vào nung. Để có những chú hổ đất đẹp đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề từ pha trộn đất, chế tác đến nung lò để không bị hư hỏng, biến dạng sản phẩm.
Sau khoảng 10 tiếng nung trong lò với nhiệt độ khoảng 1.000 độ C, các sản phẩm được đưa ra ngoài mỗi khi xe tới lấy hàng chở đi các xưởng trang trí. Trung bình mỗi ngày một lò có thể nung được 3.000 sản phẩm. Những sản phẩm bị lỗi như bị cháy đen, sứt mẻ sẽ bị loại bỏ.
Cùng với những lò gốm ở xã Tân Vĩnh Hiệp, các xưởng sản xuất, trang trí heo đất tại phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An) được xem là thủ phủ sản xuất heo đất. Tại các xưởng sản xuất này, hàng ngàn heo đất, hổ đất thô sau nung từ các xưởng ở Tân Uyên được nhập về gia công lại để cung ứng ra thị trường. Trước khi được “trang điểm”, heo đất, hổ đất được đánh mịn lại bằng giấy nhám.
Ngoài lấy hổ đất từ các lò, xưởng sản xuất Thành Tâm, phường Lái Thiêu còn tự sản xuất ra hàng ngàn hổ thạch cao để đáp ứng nhu cầu người dùng. Loại này láng đẹp và đường nét hơn so với con làm bằng đất nên được bán với giá cao hơn.
Sau khi quét lớp màu, các công nhân tiếp tục vẽ các chi tiết cho từng sản phẩm. Số lượng heo đất đủ màu sắc, kích cỡ tại xưởng vẫn chiếm đa số sản phẩm vì đã thông dụng so với hổ đất - con giáp của Tết năm nay.
Hổ đất được các nghệ nhân trang trí thành hổ vàng khi phần lớn bề mặt được phủ màu vàng, vừa là màu đặc trưng của con vật vừa mang ý nghĩa may mắn, tài lộc cho năm mới.
Ngoài hổ ngậm ngọc, các xưởng sản xuất còn cho ra lò những chú hổ vàng được tạo hình dáng mũm mĩm, đường nét vui tươi.
Xưởng gia công hoàn thiện hàng ngàn sản phẩm đủ màu sắc, kích cỡ đang được chất thành đống chờ thương lái tới lấy. Thời điểm sát Tết, mỗi ngày đều có nhiều tiểu thương tới các xưởng ở phường Lái Thiêu lấy heo và hổ vàng mang về bỏ mối tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung.
Nguồn: [Link nguồn]