Thu phí rồi… bao giờ đường mới tốt?

Đó là băn khoăn của người dân khi được hỏi về việc nộp phí bảo trì đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Qua những ngày đầu thực hiện việc nộp phí bảo trì đường bộ, đa phần người dân và doanh nghiệp đều nhận thấy việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ đã được nghiên cứu, đề xuất từ nhiều năm. Quỹ này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn cho duy tu, bảo trì, nâng cấp đường bộ ở nước ta.

Thu phí rồi… bao giờ đường mới tốt? - 1

Từ 1/1/2013, ô tô phải có đủ hai tem tiêu chuẩn này mới được lưu hành

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao trong một thời gian theo lộ trình, người đóng phí có quyền đòi hỏi được sử dụng hạ tầng giao thông đạt chuẩn, hạn chế, khắc phục kịp thời những đoạn đường hư hỏng, kém chất lượng. Đây là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Trong đó, bộ GTVT và các địa phương là những đơn vị nắm rõ nhất cung đường nào kém chất lượng, đoạn đường nào phải nâng cấp, và cần có kế hoạch giải quyết vấn đề đó một cách triệt để.

Nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ là: Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Trong đó, Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ. Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Thu phí rồi… bao giờ đường mới tốt? - 2

Người dân rất hy vọng những hạ tầng giao thông như thế này sẽ sớm được khắc phục

Như vậy, nói về nguồn vốn của địa phương thu được từ quỹ bảo trì đường bộ là con số không hề nhỏ để thực hiện nhiều giải pháp về hạ tầng giao thông. Đến nay, hầu hết các tỉnh thành phố đều đang xây dựng kế hoạch thu phí đường bộ và sẽ được công khai minh bạch trong thời gian tới trong việc sử dụng phí đó như thế nào. Tức là người dân có quyền hy vọng vào những kế hoạch “chắc chắn” mang tính hệ thống về những khoản chi cho duy tu, bào trì, nâng cấp đường bộ ở địa phương.

Người dân có được quyền đòi hỏi khi… dịch vụ không đạt chuẩn?

Có thể thấy, người dân chấp hành việc đóng phí là chuyện đương nhiên, nhưng xét trên bình diện giữa người đóng phí và người cung cấp dịch vụ, liệu người dân có quyền được “mơ ước” đến những quy định về trách nhiệm, về được bồi thường trong trường hợp đường xá, hạ tầng giao thông kém gây thiệt hại, ảnh hưởng đến người sử dụng đường bộ?

Thu phí rồi… bao giờ đường mới tốt? - 3

Hạ tầng giao thông kém ... đang là vấn đề mà các ngành chức năng "đau đầu"

Không ít những câu chuyện về hạ tầng giao thông kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng như: hố tử thần “đột nhiên” xuất hiện, ổ voi, ổ gà mấp mô gây tai nạn nghiêm trọng… đã không ít trường hợp nạn nhân đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng hỏi về trách nhiệm, nhưng đều không có kết quả.

Ở một góc độ khác, không ít người tham gia giao thông vui mừng khi được đi trên đường cao tốc đúng nghĩa, có hệ thống biển báo rõ ràng, số điện thoại cứu hộ, trạm y tế, và các dịch vụ đi kèm đạt chuẩn. Đương nhiên là khi đi vào đường cao tốc đó, phí phải trả cao hơn. Có như vậy, là dự án đó được nghiên cứu, đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn.

Phải chăng khi hoàn thiện thể chế về thu, sử dụng phí bảo trì đường bộ, các cơ quan hành pháp, chính quyền địa phương nên lưu ý đến trách nhiệm, bồi thường thiệt hại nếu đường bộ không đạt chuẩn là nguyên nhân gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông?

Thu phí rồi… bao giờ đường mới tốt? - 4

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - một trong những đường cao tốc đạt chuẩn

Theo điều 2, Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTYQH10 ngày 28/8/2001 của Quốc hội về phí và lệ phí có quy định: "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ". Như vậy, người dân hoàn toàn có quyền được yêu cầu những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến tài sản, quyền lợi từ dịch vụ được cung cấp.

Sử dụng phí bảo trì đường bộ như thế nào ?

Một vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm đó là việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ như thế nào để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hợp lý, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bởi đây là khoản tiền đóng góp không nhỏ vào ngân sách.

Đúng là trong Nghị định quy định rất rõ ràng về việc sử dụng nguồn vốn, đảm bảo mọi yếu tố công khai, minh bạch. Nhưng, thực tế là phí đường đã thực hiện đóng, xe máy chậm thu cũng sẽ bị truy thu, tức là thu triệt để. Bên cạnh đó, con số trích lại từ nguồn thu để tổ chức bộ máy cũng đã quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, chưa thấy có quy định nào nêu rõ là một năm Quỹ bảo trì đường bộ đó phải duy tu, bảo trì, nâng cấp bao nhiêu km đường, cam kết về chất lượng và tiến độ ra sao?

Thuế đè thuế…phí chồng phí là chuyện ai cũng thấy rõ… nhưng điều quan trọng là người dân quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn để được hưởng những hạ tầng giao thông tốt nhất đúng theo tiêu chí mà Nghị định đề ra. Chắc có lẽ, những “quyền” mà người dân mong muốn vẫn nằm trong thể chế để xây dựng, bởi như thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói là quy định phải thực hiện, phí phải nộp, những gì chưa hoàn thiện sẽ kiến nghị sửa đổi. Như vậy, tại thời điểm này, người dân vẫn truyền nhau câu nói: Phí đóng rồi… bao giờ đường mới tốt?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Linh (VOV Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN