Thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường lỗ: Nên tính phương án đấu thầu
Các chuyên gia cho rằng công tác thu phí đỗ xe dưới lòng đường ở TP.HCM nên nghĩ tới phương án đấu thầu và có “đề bài” rõ ràng cho các đơn vị tham gia đấu thầu.
Về công tác thu phí đỗ xe dưới lòng đường ở TP.HCM không hiệu quả, đơn vị thu phí là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (viết tắt là Công ty Thanh niên xung phong) cho biết đã nhiều lần chủ động mời Viettel TP.HCM làm việc để xử lý các lỗi ứng dụng My Parking nhưng phía Viettel không phản hồi. Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Trung tâm Giải pháp miền Nam - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel khẳng định hai bên vẫn thường xuyên trao đổi công việc.
Công tác thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường ở TP.HCM chưa hiệu quả. Ảnh: KC
Mỗi bên đều có lý do riêng
Đại diện Công ty Thanh niên xung phong cho biết công ty đã gửi văn bản đến Sở GTVT TP xin tạm ngưng thu phí đỗ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, đây chỉ là xin tạm dừng để hoàn thiện ứng dụng và chấn chỉnh các công việc khác.
Theo văn bản của Công ty Thanh niên xung phong gửi Sở GTVT, lý do đầu tiên được đề cập khi xin tạm ngưng thu phí có liên quan đến ứng dụng My Parking (ứng dụng được Viettel phát triển).
“Hiện ứng dụng My Parking hoạt động chưa ổn định, xảy ra nhiều lỗi, chưa nâng cấp thường xuyên. Công ty đã nhiều lần chủ động mời Viettel TP.HCM - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội để làm việc xử lý các lỗi ứng dụng My Parking, cung cấp các thiết bị hỗ trợ (máy POS). Tuy nhiên, phía Viettel đến nay vẫn không phản hồi, không liên hệ làm việc” - văn bản nêu rõ.
Liên quan đến quan điểm trên của Công ty Thanh niên xung phong, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đức Tuyến, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, khẳng định: “Phía Viettel và Công ty Thanh niên xung phong thường xuyên trao đổi, phối hợp trong quá trình triển khai ứng dụng”.
Ông Tuyến cũng cho rằng việc triển khai một ứng dụng cần có quá trình, gồm cả các quy chế, vận hành của cơ quan quản lý đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dùng. Viettel cũng “bác” việc ứng dụng hoạt động không ổn định và xảy ra nhiều lỗi như phía Công ty Thanh niên xung phong nêu trong văn bản gửi Sở GTVT.
“Hiện tại, ứng dụng hoạt động ổn định, Viettel và Công ty Thanh niên xung phong có các kênh thông tin trao đổi trong quá trình vận hành, bảo trì hệ thống cũng như các phát sinh nếu có” - ông Tuyến khẳng định.
Ngoài ra, ông Tuyến thông tin thêm hiện tỉ lệ phản ánh trên số lượt đặt chỗ ứng dụng hằng tháng nằm ở mức thấp (khoảng 1,46%), các phản ánh bao gồm có cả chủ quan từ hành vi của người dùng.
“Hiện Viettel và Công ty Thanh niên xung phong thống nhất cùng nhau tổ chức một đội hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng, xử lý các phát sinh nếu có cho khách hàng. Với các đề xuất mới của Công ty Thanh niên xung phong, hai bên sẽ đồng hành cùng nhau nghiên cứu, đánh giá để có phương án triển khai cho phù hợp” - ông Tuyến nêu giải pháp.
Hiện Viettel và Công ty Thanh niên xung phong thống nhất cùng nhau tổ chức một đội hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng, xử lý các phát sinh nếu có cho khách hàng. |
Cần có “đề bài” cho đơn vị tham gia đấu thầu
Xuất phát từ các tồn đọng, hạn chế, Công ty Thanh niên xung phong cũng đề nghị Sở GTVT TP hoàn thiện ứng dụng, công nghệ phù hợp, công tác phối hợp xử lý hiện trường... hoặc thực hiện phương án đấu thầu nhằm đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, ngay sau đề xuất của Công ty Thanh niên xung phong, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TP về việc này, trong đó yêu cầu công ty này tiếp tục thực hiện công tác thu phí.
Cụ thể, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo lực lượng thanh niên xung phong tổ chức kiểm điểm các tồn tại của Công ty Thanh niên xung phong trong thời gian qua. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện, kịp thời điều chỉnh tổ chức bộ máy nhân sự; đẩy nhanh tiến độ ký kết phương án phối hợp xử lý vi phạm tại hiện trường để công ty này tiếp tục thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, có các giải pháp tăng cường giám sát, thực hiện đúng nhiệm vụ, kế hoạch và quy chế ban hành của UBND TP.HCM. Đồng thời xác định các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
TS Dương Như Hùng, ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên gia giao thông, cho rằng nên nghĩ tới phương án đấu thầu nhưng trước khi đấu thầu phải có “đề bài” rõ ràng cho đơn vị tham gia đấu thầu. Khi đấu thầu chọn đơn vị thu phí thì làm sao phải tính toán để dịch vụ hiệu quả hơn.
“Phải có phản biện phương án thu phí của đơn vị tham gia đấu thầu, chứ không phải đơn vị nào trả nhiều tiền nhất là trúng thầu. Nếu không có phản biện thì sau này sẽ phát sinh nhiều phản ánh hơn, ảnh hưởng đến công tác thu phí của TP” - ông Hùng phân tích.
Ông Hùng cho biết câu chuyện thu phí không hiệu quả hiện nay là do công tác quản lý. Nước ngoài cũng có nhiều hình thức thu phí đỗ ô tô tự động rất hiệu quả, chứ lấy sức người mà làm sẽ rất tốn kém, thiếu hiệu quả.
“Ở châu Âu, họ có cả những chỗ đóng tiền tự động qua các hình thức thanh toán, rồi hệ thống thanh tra xử phạt qua camera rất hoàn chỉnh. Đây là những điều chúng ta nên lưu ý thêm khi triển khai thực hiện công tác đỗ xe dưới lòng đường” - ông Hùng nói.
Gần bốn năm lỗ hơn 8 tỉ Từ tháng 8-2018, TP.HCM triển khai thu phí đỗ ô tô trên 23 tuyến đường tại các quận 1, 5 và 10 với khoảng 1.000 vị trí đậu xe. Mức phí lũy tiến theo thời gian, với mức thu thấp nhất 20.000-25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên. Hiện giảm xuống còn 20 tuyến đường thu phí, với 822 vị trí đậu xe. TP.HCM từng kỳ vọng thu hàng chục tỉ đồng mỗi tháng từ việc thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường nhưng khi triển khai lại không như kỳ vọng. Theo Sở GTVT, tính từ tháng 8-2018 đến hết tháng 5-2022, số phí thu được trên các tuyến đường nêu trên là hơn 8,5 tỉ đồng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định nhiều yếu tố quan trọng, nhất là tính pháp lý và công nghệ, đã cơ bản được giải quyết để có thể thu phí ôtô đi vào trung tâm thành...