Thử nghiệm di chuyển tàu thám hiểm Sao Hỏa

Hôm qua (14/8), các nhà điều khiển tàu thăm dò Sao Hỏa Curiosity cho biết, tuần tới cỗ máy này sẽ lần đầu tiên di chuyển khỏi vị trí đáp xuống trong lần chạy thử kéo dài khoảng 1 tuần.

Curiosity, hay còn gọi là phòng thí nghiệm khoa học di động đã hạ cánh xuống Sao Hỏa ngày 6/8 và kể từ đó liên tục gửi các hình ảnh bề mặt miệng núi lửa Gale về Trái Đất. Tuy nhiên, tàu vũ trụ này chưa hề rời khỏi vị trí đáp xuống vì các nhà điều khiển còn phải đảm bảo cho các hệ thống của nó hoạt động thông suốt.

Michael Watkins, Giám đốc sứ mệnh Curiosity cho biết nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, NASA hy vọng sẽ thay đổi trạng thái của tàu thám hiểm này vào ngày thứ 15 trên Sao Hỏa. Các nhà điều kiển có kế hoạch kích hoạt 6 bánh lái của Curiosity vào ngày thứ 13 rồi sau đó sẽ “chạy thử vài mét và quay lại”, Watkins nói.

Trong mấy ngày vừa qua, Curiosity đã được nâng cấp phần mềm điều khiển, một tiến trình mà theo cách gọi của NASA là “cấy não”. Ashwin Vasavada, nhà khoa học thuộc dự án Curiosity ở Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA nói với các phóng viên rằng các nhà điều khiển “không thể hạnh phúc hơn với sự thành công của Curiosity cho đến thời điểm này”.

Thử nghiệm di chuyển tàu thám hiểm Sao Hỏa - 1

Miệng núi lửa Gale trên Sao Hỏa nơi tàu thăm dò Curiosity đáp xuống

Mục tiêu chính của Curiosity là Đỉnh núi Sharp, nằm cách vị trí mà con tàu tự hành này đáp xuống khoảng 8 km. Tuy nhiên, do di chuyển mỗi ngày với quãng đường chỉ dài bằng một sân bóng, thời gian dừng lại lâu nên có thể sẽ phải mất gần một năm để Curiosity tới được các sườn dưới chân núi Sharp.

“Để hiểu được Đỉnh núi Sharp, phải hiểu được bối cảnh xung quanh đó và một số đặc tính hình thành nên vùng đồng bằng mà chúng ta đang đậu”, Vasavada giải thích. “Mỗi lần dừng lại kiểm ra các đặc điểm xung quanh ngọn núi có thể phải mất vài tuần hoạt động”.

Đỉnh núi Sharp bao gồm nhiều lớp đá hình thành qua thời gian. Bằng cách sử dụng các công cụ khoa học, Curiosity sẽ kiểm tra các phân tử hữu cơ, những yếu tố cho biết hành tinh Đỏ liệu đã từng có sự sống hay chưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Phạm (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN