Thu 1.200 tỉ từ bán 'không khí' và cơ hội mới của Việt Nam
Việt Nam vừa nhận gần 1.000 tỉ đồng đầu tiên từ Ngân hàng Thế giới chi trả cho việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Năm 2020, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) được Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác chi trả giảm phát thải khí nhà kính cho vùng Bắc Trung Bộ.
Tín chỉ carbon giúp kinh tế phát triển xanh, bền vững
Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn CO2 ở Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp thông qua WB. Đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD, tức khoảng 1.250 tỉ đồng.
Đáng chú ý, lượng giảm phát thải chuyển nhượng là lượng giảm phát thải được tạo ra từ rừng tự nhiên giai đoạn 2018-2019. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận bán tín chỉ carbon cho thị trường carbon tự nguyện, tạo ra nguồn tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.
Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, tương đương khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán với giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong ảnh: Tỉnh Quảng Bình nhận được hơn 235 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: TL
Đến tháng 8-2023, WB đã thanh toán tiền tín chỉ carbon đợt 1 là 41,2 triệu USD, tương đương 997 tỉ đồng. Hiện tại, Việt Nam cũng đã chuyển giao đủ lượng tín chỉ carbon còn lại, phía WB đang thực hiện thủ tục để thanh toán 10,3 triệu USD (gần 250 tỉ đồng) còn lại.
Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đơn vị tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 để chi trả cho các chủ rừng, cho biết: Từ tháng 10-2023, cơ quan này đã thực hiện điều phối hơn 962 tỉ đồng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa nhận được gần 163 tỉ đồng; tỉnh Nghệ An nhận được gần 283 tỉ đồng; tỉnh Hà Tĩnh nhận được gần 123 tỉ đồng; tỉnh Quảng Bình nhận được hơn 235 tỉ đồng; tỉnh Quảng Trị nhận được hơn 51 tỉ đồng; tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được hơn 107 tỉ đồng.
“Việc tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng giúp các chủ rừng, những nông dân trực tiếp giữ rừng có thêm nguồn thu nhập. Các địa phương cũng có thêm nguồn tài chính để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh” - ông Thanh cho biết.
Có thể thu hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng doanh nghiệp chưa dám đầu tư
Ông Lê Văn Thanh thông tin: Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, tỉ lệ che phủ hơn 42%, trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên. Ước tính trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.
Với khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục ngàn tỉ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e).
Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này.
“Theo cập nhật mới nhất, hiện nay bên cạnh thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà chúng ta đang triển khai thí điểm thì một số tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài đã tiếp cận, đề xuất với Việt Nam để đàm phán mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon của rừng” - ông Thanh tiết lộ.
Đơn cử Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với đơn giá là 10 USD/tấn CO2. Hiện Bộ NN&PTNT đang tích cực chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để tiến hành đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận của chương trình này.
Ngoài ra, mhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Như vậy có thể thấy nhu cầu trao đổi, chuyển nhượng, thương mại hóa tín chỉ carbon rừng trong nước đang có xu hướng phát triển mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể, chưa có quy định về thị trường liên thông quốc tế; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon... Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho hay hiện Bộ Tài chính, Bộ TN&MT đang hoàn thiện đề án thành lập thị trường carbon trong nước. Bộ NN&PTNT cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018, trong đó có đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.
“Chúng tôi hy vọng sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018 được ban hành, cùng với kết quả thí điểm ban đầu về thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ sở quan trọng để triển khai thành công dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng trên cả nước. Đây sẽ là tiền đề cơ bản giúp nhanh chóng kết nối, thích ứng khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành chính thức vào năm 2028” - ông Bảo chia sẻ.
Đề xuất lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia Tại cuộc họp về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam ngày 8-1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết: Một trong những mục tiêu của thị trường tín chỉ carbon là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm hai loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ TN&MT xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước. Từ thực tế nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phải kết nối với thế giới để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. |
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình nêu lý do các chủ rừng chưa nhận được 80 tỷ đồng từ tiền bán “không khí”.
Nguồn: [Link nguồn]