Thông tư đổi bằng lái xe trái luật, người dân có được bồi thường?

Sự kiện: Thời sự

Theo lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định cấp đổi giấy phép lái xe từ bìa giấy sang bìa nhựa PET hiện chưa gây thiệt hại gì cho người dân…

Thông tư đổi bằng lái xe trái luật, người dân có được bồi thường? - 1

Giấy phép lái xe bằng vật liệu nhựa PET

Điều 57 của Thông tư 58/2015 (Bộ GTVT) quy định, người dân phải đổi GPLX ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET xong trước ngày 31/12/2016; GPLX mô tô không thời hạn, GPLX các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020.

Sau 6 tháng của thời hạn chuyển đổi này, nếu người có GPLX bìa giấy chưa đổi sang vật liệu PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp GPLX mới. Quy định này đã gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, khiến người dân đổ dồn đi xin cấp đổi giấy phép lái xe thẻ nhựa PET ở nhiều địa phương.

Sau phản ánh của báo chí, Cục kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp mới có văn bản “tuýt còi” Thông tư 58 của Bộ GTVT và cho rằng thông tư này không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.

Một số ý kiến người dân cho rằng Thông tư 58 của Bộ GTVT đã khiến người dân trên cả nước nháo nhào đi xin cấp đổi giấy phép lái xe mới dù giấy phép của họ còn thời hạn vài năm (ô tô) hoặc vô thời hạn (xe máy). Việc đi cấp đổi mất thời gian, tốn chi phí đi đi lại nên Bộ GTVT phải bồi thường cho người dân.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) nói: “Trước khi ban hành thông tư, chúng tôi đã có trao đổi của Bộ Tư Pháp. Việc đổi GPLX sang vật liệu nhựa PET được triển khai từ năm 2012 và từ đó các bộ có thống nhất sẽ đổi sang vật liệu PET để chống việc làm bằng giả, nâng cao chất lượng giấy phép lái xe. Thông tư này chưa có gây thiệt hại cho người dân nên không có bồi thường. Hiện tại, chúng tôi đã khắc phục, sửa đổi thông tư cho phù hợp”.

Tổng Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam cho hay, hiện nay, người dân đăng ký hồ sơ qua mạng, khi đến cơ sở cấp đổi chỉ mất 2 tiếng là xong thủ tục. Vì vậy, việc thực hiện đổi sang vật liệu nhựa PET không quá mất thời gian, phiền hà.

Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, khi xây dựng dự thảo thông tư 58, Bộ GTVT có trao đổi, lấy lý kiến từ Bộ Tư Pháp.

Tuy nhiên, theo quy định, việc ban hành thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT. Nội dung trong thông tư do nội bộ Bộ giao thông thẩm định. Sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT ký và ban hành thông tư, Bộ Tư Pháp mới có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm văn bản đó. Còn trước khi ban hành thông tư, Bộ Tư Pháp không có quyền thẩm định.

“Từ khi soạn dự thảo đến lúc ban hành thông tư nội dung có thể thay đổi. Thông thường, chúng tôi tiếp cận thông tư gốc (Thông tư 58/2015) bao giờ cũng chậm hơn so với ngày thông tư ban hành. Sau một thời gian khá dài, chúng tôi mới nhận được bản chính thức (có giá trị pháp lý) và đã kiểm tra theo trình tự quy định. Vừa rồi mới có kết luận chính thức. Chúng tôi đã nỗ lực để có kết luật kịp thời”, ông Ba giải thích lý do vì sao chậm trễ “tuýt còi” Thông tư 58 của Bộ GTVT.  Theo ông Ba, đối với kết luận tính pháp lý văn bản quy phạm pháp luật phải có thời gian nghiên cứu, trao đổi thảo luận mới có kết luật chính xác.

Ông Ba cho biết thêm, theo quy định, sau khi các bộ ban hành thông tư, Cục sẽ kiểm tra tính pháp lý, nội dung nếu phát hiện sai sẽ có văn bản kết luận sai và thông báo cho bên ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 30 ngày, bên ban hành thông tư phải trả lời kết luận. Trường hợp, bên ban hành thông tư không thực hiện sẽ báo cáo Bộ trưởng bộ Tư Pháp xin ý kiến.

Tối 30/11, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, người dân có GPLX  bìa giấy còn hạn vẫn được sử dụng bình thường. Trong Thông tư 58 không có quy định xử phạt đối với người chưa đổi GPLX sang vật liệu nhựa PET. Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư 58, trong đó bãi bỏ quy định phải thi lại lý thuyết đối với người có GPLX chưa chuyển đổi sang vật liệu nhựa PET và sẽ ban hành trong tháng 12/2016

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN