Thông tin phiên họp Ủy ban Tư pháp vụ Hồ Duy Hải
Sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có báo cáo, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền theo đúng chức năng chuyên môn.
Sáng 16-6, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể để thảo luận về vụ án Hồ Duy Hải.
Ủy ban Tư pháp sẽ có quan điểm chính thức
Theo tìm hiểu của PV, các thành viên của UBTP đã xem xét lại các vấn đề của vụ án, từ điều tra, truy tố đến xét xử, đặc biệt là quyết định giám đốc thẩm hồi tháng 5 vừa qua của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Đối với phán quyết giám đốc thẩm, UBTP đã thảo luận về tính đúng đắn, tính phù hợp pháp luật.
Phiên họp của UBTP diễn ra sau khi có kiến nghị của gia đình Hồ Duy Hải, của các đại biểu (ĐB) QH như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp toàn thể. Điều này cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của UBTP.
Được biết, sau phiên họp này, UBTP sẽ có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Chính vì vậy, UBTP sẽ phải có quan điểm, chính kiến về vụ án này sau khi tổng hợp ý kiến các thành viên của ủy ban theo đúng chức năng chuyên môn.
Phiên xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
Không đưa nhiều lời khai vào hồ sơ vụ án
Nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho hay: Phiên họp toàn thể của UBTP về vụ Hồ Duy Hải đã có những điểm chung giữa các thành viên.
Có nhiều thành viên UBTP nhận định rằng kháng nghị của VKSND Tối cao không đề cập việc Hồ Duy Hải có oan hay không oan, mà chỉ kháng nghị về những vi phạm tố tụng. Chẳng hạn như có việc bỏ sót những chứng cứ vụ án, chậm trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Cụ thể, có những vật chứng có thể mang dấu vết tội phạm nhưng không được thu thập, có chụp ảnh nhưng không lưu giữ, một điều tra viên cùng lúc vừa khám nghiệm tử thi, vừa khám nghiệm hiện trường.
Đặc biệt, có cả việc một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng người khai không xác nhận; lời khai đầu tiên của bị cáo không nhận tội thì không đưa vào hồ sơ vụ án cũng như không có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Nhân chứng đầu tiên phát hiện ra vụ án không được lấy lời khai, các dấu vân tay tại hiện trường chưa được xác định; mâu thuẫn trong lời khai, chứng cứ, dấu vết chưa được làm rõ…
Mặt khác, đa số thành viên UBTP cũng đồng tình rằng trong bối cảnh hiện nay, việc kiến nghị lên các cấp thẩm quyền xem xét lại bản án giám đốc thẩm là cần thiết. Điều này là phù hợp với quy định tại Điều 404 BLTTHS 2015.
Ban Nội chính Trung ương cũng đang nghiên cứu Cùng thời điểm này, Ban Nội chính Trung ương cũng được giao nghiên cứu, đánh giá để tham mưu cho Ban Bí thư về hướng giải quyết vụ án Hồ Duy Hải, vốn đang gây phản ứng khác nhau trong dư luận và các cơ quan tố tụng trung ương, cơ quan giám sát tư pháp. Các nguồn tin độc lập cho biết tổ chức đảng của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, cũng như Đảng đoàn QH sẽ phải có báo cáo, nêu quan điểm. Trên cơ sở đó, Ban Nội chính Trung ương mới có báo cáo chính thức gửi cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó sẽ có định hướng cho các bước xử lý tiếp theo. Đây là cách thức để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm. |
Vài nét về phiên họp Ủy ban Tư pháp Phiên họp toàn thể UBTP của QH về vụ án Hồ Duy Hải kết thúc vào trưa 16-6. Nhiều PV đang đưa tin kỳ họp QH đợi để gặp, hỏi bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm UBTP về kết quả cuộc họp. Tuy nhiên, bà Nga từ chối trả lời phỏng vấn. UBTP của QH có 39 ủy viên, trong đó chỉ có chín người gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và ủy viên thường trực, còn lại các ủy viên là ĐBQH đang công tác trong ngành tòa án, kiểm sát, công an, tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư ở trung ương và địa phương. Chia sẻ thông tin với Pháp Luật TP.HCM, một số ủy viên cho biết cuộc họp rất sôi nổi. “Ủy ban có 39 người, chỉ vắng ít thôi. Ý kiến phát biểu thì nhiều lắm. Họp từ đầu giờ sáng đến quá 12 giờ trưa mới xong. Vừa phát biểu ý kiến, vừa lấy phiếu biểu quyết, rất dân chủ, chặt chẽ và khoa học” - một ủy viên cho biết. PV đặt câu hỏi liệu UBTP có tự kiến nghị hoặc báo cáo để Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo Điều 404 BLTTHS 2015 hay không. Một ủy viên cho hay: “Còn phải chờ kết quả tổng hợp ý kiến và bỏ phiếu nữa. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi là vụ án chưa dừng lại ở đây”. Nghĩa Nhân |
Sau phiên họp này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có báo cáo, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền theo đúng chức năng chuyên...
Nguồn: [Link nguồn]