Thông tin năm 2050 TPHCM bị "xóa sổ" là giả định cực đoan

Sự kiện: Thời sự

Các nhà nghiên cứu của Bộ TN&MT cho biết, thông tin vào năm 2050, TPHCM và ĐBSCL sẽ bị xóa sổ như công bố của Tổ chức Climate Central (Mỹ) là chưa đủ cơ sở và dựa trên giả định cực đoan.

Hình ảnh giả định được tổ chức Climate Central (Mỹ) công bố

Hình ảnh giả định được tổ chức Climate Central (Mỹ) công bố

Nghiên cứu của Climate Central - tổ chức nghiên cứu khoa học phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ đăng trên tạp chí Nature Communications đưa ra nhận định toàn bộ TPHCM và ĐBSCL của Việt Nam, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống, gần như bị xóa sổ vào 2050.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, nhận định trên là chưa có cơ sở. Số liệu địa hình ven biển của ĐBSCL đã không được các nhà khoa học hiệu chỉnh nên chưa phản ánh đúng độ cao thực tế của khu vực. 

Ngoài ra, các tác giả đã sử dụng kịch bản nước biển dâng 2m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Vì thế, kết quả đưa ra không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ). Bên cạnh đó, kịch bản nước biển dâng 2m không được đề xuất trong báo cáo Đánh giá lần thứ năm của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (AR5). “Đây là một giả định cực đoan”, PGS Hương khẳng định.

Theo PGS Hương, các số liệu tốt nhất và cập nhật nhất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016. Kịch bản này cho thấy, với mực nước dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TPHCM, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Quần đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập trên cả nước do nước biển dâng.

CLIP: Đường ngập sâu, người dân vừa quay video vừa liên tục kêu khổ

Trên mạng xuất hiện clip người dân vừa quay cảnh ngập vừa than khổ với ông trời. Cảnh xe chết máy la liệt diễn ra ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN