Thông tin ít biết về Tập Sắc lệnh - bảo vật quốc gia

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946 là bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập, hoạt động của Chính phủ Lâm thời năm 1945 – 1946. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không phải ai cũng tiếp cận được các thông tin chi tiết về Tập Sắc lệnh cũng như biết rõ về giá trị của bảo vật này.

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, đơn vị hiện đang bảo quản Tập Sắc lệnh nói trên thì bảo vật này bao gồm 207 tờ Sắc lệnh, ban hành từ 30/8/1945 – 28/2/1946. Tập Sắc lệnh là những bản gốc, bản chính được lưu trữ, có tính chất duy nhất, độc bản, do cơ quan Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành nhằm giải quyết những vấn đề đối nội, đối ngoại của đất nước, củng cố, xây dựng chính quyền nhà nước non trẻ.

Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946.

Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946.

Mỗi Sắc lệnh có chữ ký tươi của cá nhân người có thẩm quyền ban hành văn bản, một số Sắc lệnh có bút tích sửa chữa nội dung, câu từ… của thành viên Chính phủ Lâm thời. Đặc biệt, có 86 Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, 25 Sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký và 6 Sắc lệnh còn lại có bút tích sửa chữa và đánh máy tên người ký là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nhưng không có chữ ký; 43 Sắc lệnh được đóng dấu đỏ.

Tập Sắc lệnh được đánh máy, trên nhiều văn bản ở nhiều vị trí có viết tay để bổ sung, sửa chữa nội dung văn bản. Sau khi đã đối chiếu với Công báo năm 1945 và đầu năm 1946 thì tất cả những nội dung viết tay thêm vào trên các văn bản đó đều được sử dụng và đều có giá trị pháp lý. Một số văn bản có nhiều chữ ký, ngoài chữ ký của người có thẩm quyền ban hành văn bản, còn có những chữ ký của những người đứng đầu, chịu trách nhiệm của các lĩnh vực liên quan (tiếp ký), cho thấy chế độ văn thư, hành chính rất độc đáo, chỉ có ở thời kỳ này.

Trong bản thuyết minh đề nghị công nhận Tập Sắc lệnh là bảo vật quốc gia cho thấy: Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời ra đời đã ban hành Sắc lệnh làm công cụ lãnh đạo nhân dân, thực hiện các biện pháp, quyết sách để từng bước vừa xây dựng vừa củng cố chính quyền nhà nước, trước hết là chuẩn bị, tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dẫn đến sự ra đời cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội Việt Nam năm 1946. Trong đó có Sắc lệnh ấn định thời hạn và thể lệ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội, lập một Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, về việc ấn định ngày bầu cử và thể lệ bầu cử Quốc hội… Chính phủ Lâm thời cũng đã ban hành Sắc lệnh về việc thành lập một Ủy ban Dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Để từng bước xác lập và ổn định kinh tế của chế độ mới, giải quyết nạn đói, cùng với những biện pháp trước mắt, Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh về việc lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, về việc ấn định việc trưng dụng bất động sản, trưng dụng và trưng thu động sản, trưng tập người, đặt một số cơ quan kinh tế dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, về chế độ thuế khóa...  Về văn hóa, giáo dục có các Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, mở các lớp bình dân học vụ vào buổi tối cho nông dân, thợ thuyền, về việc bắt buộc học chữ quốc ngữ… Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn, xã hội có nhiều Sắc lệnh quan trọng như: Sắc lệnh về việc thiết quân luật ở Hà Nội để đảm bảo an ninh trật tự cho Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám; Sắc lệnh về việc giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên Hội và Việt Nam Thanh niên ái quốc Hội; Sắc lệnh về việc bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp, về việc truy tố những người can tội ăn trộm, ăn cắp, tự ý phá huỷ, cắt dây điện thoại và dây điện tín, thiết lập Tòa án Quân sự …

Nội dung của các Sắc lệnh không chỉ phản ánh chân thực nhất giá trị lịch sử, chính trị xã hội của dân tộc Việt Nam năm 1945, đầu năm 1946 mà còn minh chứng về lịch sử hoạt động của Chính phủ của nhân dân Việt Nam thời kỳ này, là phần không thể thiếu khi nghiên cứu về lịch sử dân tộc và lịch sử Chính phủ Việt Nam thời kỳ đầu thiết lập chế độ xã hội mới; lịch sử Quốc hội Việt Nam; lịch sử ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của nhân dân Việt Nam. Mỗi Sắc lệnh ra đời là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của tập thể các thành viên Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là sự thể hiện vai trò lãnh đạo hết sức tài tình, sáng suốt của lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách những năm 1945 - 1946, đồng thời cũng là một minh chứng về những đóng góp của các vị Bộ trưởng các bộ trong Chính phủ Lâm thời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Tập Sắc lệnh được bảo quản nghiêm ngặt cùng nhiều tài liệu quý khác tại kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Các kho lưu trữ này được đầu tư hệ thống bảo quản hiện đại với đa số thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài, luôn đảm bảo từ 18-22 độ C và giữ độ ẩm 50%. Ngoài những người có nhiệm vụ thì không ai được vào kho. Ngay cán bộ của Trung tâm, khi vào phòng đều phải mặc áo khoác trắng như áo blouse trắng của các bác sĩ. Khi tiếp xúc với tài liệu phải mang găng tay trắng. Vì nhiệt độ phòng bảo quản rất lạnh, nhất là so với không khí nóng bức mùa hè nên Trung tâm bố trí một phòng nhỏ riêng giữa kho bảo quản với bên ngoài để nhân viên nghỉ, tránh sốc nhiệt.

 Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng cho biết, hiện nay, Tập Sắc lệnh đã được độc giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, sử dụng lượng thông tin khác nhau phù hợp với từng công trình khoa học. Những thông tin nội dung của các Sắc lệnh đã được sử dụng biên soạn hàng trăm cuốn sách có giá trị như Hồ Chí Minh toàn tập, Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Lịch sử Quốc hội... Một phần Tập Sắc lệnh đã được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xuất bản cuốn sách “Sưu tập Sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945”. Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu, các bài viết nghiên cứu về các vấn đề khác nhau của Việt Nam năm 1945 và đầu năm 1946 cũng đã sử dụng những thông tin từ Tập Sắc lệnh này.

Ảnh: Ngắm kiệt tác mới được công nhận bảo vật quốc gia

Hương án chùa Keo (Thái Bình) có kích thước đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ, tạo nên một vẻ đẹp riêng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, vốn có trong tín ngưỡng Việt Nam. Hương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Nguyễn ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN