Thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam- Ấn Độ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì họp báo về nội dung, kết quả hội đàm.
Trưa 1-8, chủ trì họp báo về nội dung, kết quả hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay cuộc hội đàm diễn ra trong không khí chân thành, tin cậy, nồng ấm, cởi mở, thiết thực, hiệu quả, đạt nhiều nhận thức chung và kết quả quan trọng.
Hai bên chia sẻ tầm nhìn chiến lược về thế giới ngày nay; ghi nhận những tiến triển và thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ hai nước, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện từ năm 2016 đến nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: NHẬT BẮC
Đột phá đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các nhà lãnh đạo và toàn thể nhân dân Ấn Độ đã chia buồn sâu sắc và cử Cố vấn An ninh quốc gia đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng đồng thời chuyển lời chúc sức khỏe, thăm hỏi thân tình của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ tướng Modi.
Thủ tướng khẳng định quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
"Trong gần hai ngày qua, tôi đã được Thủ tướng Narendra Modi và các bạn Ấn Độ đón tiếp hết sức chân thành, chu đáo, quý mến, trọng thị và thân tình, tin cậy. Trở lại thăm đất nước của các bạn, tôi cảm thấy gần gũi, ấm áp như trở về nhà. Xin hết sức chân thành cảm ơn Thủ tướng và các bạn Ấn Độ"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là cường quốc hàng đầu, có vai trò toàn cầu nổi bật với những dấu ấn đậm nét của đảng cầm quyền và đặc biệt của Thủ tướng, mang lại lợi ích lớn, thiết thực cho người dân Ấn Độ.
"Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với nhiều dấu ấn đậm nét của Ngài Thủ tướng"- Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc tới hàng loạt thành tựu quan trọng mà Ấn Độ đạt được trong những năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại họp báo. Ảnh: NHẬT BẮC
Chia sẻ sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các thách thức an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống đan xen ngày càng phức tạp, mang tính toàn cầu, toàn dân và toàn diện.
Giai đoạn hiện nay có thời cơ, thách thức đan xen với thời cơ và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi phải có tư duy tổng thể, toàn diện của mỗi quốc gia cũng như sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ của tất cả các quốc gia với cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu.
Về các văn kiện được ký kết, Thủ tướng cho biết hai bên đã nhất trí giao các cơ quan, doanh nghiệp liên quan chủ động, tích cực triển khai thực hiện với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng, dự địa hợp tác, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế chung của thời đại, phù hợp với điều kiện của mỗi nước, phù hợp với mong muốn và chờ đợi của nhân dân; phục vụ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của mỗi nước.
Theo Thủ tướng, với những kết quả thực chất nêu trên, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam- Ấn Độ sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới ngày càng sâu sắc và tin cậy…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Modi thăm lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.
Chương mới cho quan hệ giữa hai bên
Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định chuyến thăm đã mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai bên.
Thủ tướng Narendra Modi thay mặt tất cả người dân Ấn Độ gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Thủ tướng Modi nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn tốt của Ấn Độ và dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, quan hệ song phương đã có phương hướng mới mang tính chiến lược.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Modi đánh giá trong 10 năm qua, quan hệ hai bên đã ngày càng sâu sắc hơn, nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Thương mại song phương tăng trưởng 85%; hợp tác năng lượng, công nghệ và phát triển được nâng cao; hợp tác quốc phòng và an ninh được tiếp thêm năng lượng; kết nối cũng được tăng cường.
Thủ tướng Modi cũng nhắc tới việc hiện có hơn 50 chuyến bay thẳng hằng tuần giữa hai nước; hợp tác du lịch được đẩy mạnh với thị thực điện tử…
Thủ tướng Modi cho rằng tầm nhìn phát triển tới năm 2047 của Ấn Độ và mục tiêu phát triển tới năm 2045 của Việt Nam sẽ mở ra các kênh hợp tác mới có lợi cho cả hai nước. Trên cơ sở đó, hai Thủ tướng đã thông qua kế hoạch hành động mới để thúc đẩy những bước tiến mới trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Modi cũng khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, là trụ cột mạnh mẽ trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ. Ông cũng hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai do Ấn Độ đề xướng…
'Năm hơn' Hai nhà lãnh đạo cho biết hai nước nhất trí thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam- Ấn Độ nhân chuyến thăm và nhất trí thúc đẩy hợp tác hai nước với phương châm "Năm hơn". Thứ nhất, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn, trong đó tăng cường trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa hai nước trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân. Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 với trọng tâm là đẩy mạnh toàn diện 11 lĩnh vực hợp tác. Thứ hai, hợp tác quốc phòng- an ninh rộng mở hơn, sâu sắc hơn, trong đó có việc triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam- Ấn Độ đến năm 2030. Thứ ba, tầm nhìn, hành động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, trong đó nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều trong 3- 5 năm tới. Thứ tư, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực mạnh mẽ hơn, trong đó khai thác tối đa những tiềm năng và lợi thế của hai bên, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu khoa học, năng lượng nguyên tử, đất hiếm, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... Thứ năm, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn, trong đó tăng cường kết nối về văn hóa, văn minh, lịch sử, tôn giáo giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt… Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các thể chế hợp tác quan trọng ở khu vực và toàn cầu. Nhân chuyến thăm này, Việt Nam đã quyết định tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và khẳng định sớm hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) do Ấn Độ đề xướng. Hai bên cũng nhất trí thiết lập Tham vấn về ngoại giao kinh tế cấp thứ trưởng ngoại giao. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Cùng với đó, nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển… |
Ấn Độ trải thảm đỏ, triển khai lực lượng kỵ binh danh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp nhà nước.
Nguồn: [Link nguồn]