“Thống nhất Triều Tiên vẫn là giấc mơ xa vời”

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng tình hình trong nước và quốc tế không cho phép hai miền Triều Tiên thống nhất trong tương lai gần.

Ngày 22/1, một chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiên cứu về tình hình bán đảo Triều Tiên cho rằng việc thống nhất hai miền Triều Tiên vẫn còn là một “giấc mơ xa vời” khi tinh thần Chiến tranh lạnh vẫn đang thống trị ở khu vực này.

Ông Cai Jian, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Fudan cho rằng mặc dù Hàn Quốc có thể học tập mô hình thống nhất của nước Đức, song di sản mà Chiến tranh lạnh để lại vẫn là một rào cản cực kỳ lớn cho giấc mơ thống nhất của hai miền Triều Tiên.

“Thống nhất Triều Tiên vẫn là giấc mơ xa vời” - 1

Cổng chào Thống nhất, biểu tượng khát vọng đoàn tụ của hai miền Triều Tiên

Trong một bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày hôm nay, ông Cai viết: “Khi nước Đức thống nhất, Liên Xô, đồng minh thân cận của Đông Đức đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng tan rã trong nước nên không thể hỗ trợ được nhiều cho Đông Berlin, giúp Tây Đức dễ dàng hơn trong việc thống nhất đất nước bằng ưu thế vượt trội.”

Chuyên gia này viết tiếp: “Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, bán đảo Triều Tiên vẫn đang chìm ngập trong di sản của cuộc Chiến tranh lạnh, và những cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với nhau.”

Ông Cai cho rằng việc thống nhất bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ là vấn đề giữa riêng hai quốc gia bị phân chia với nhau mà đã trở thành một vấn đề quốc tế liên quan đến toàn bộ cấu trúc chiến lược của khu vực Đông Bắc Á.

Hiện về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình, và việc thống nhất hai miền xem ra vẫn rất xa vời trong bối cảnh Triều Tiên vẫn đang theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của mình.

“Thống nhất Triều Tiên vẫn là giấc mơ xa vời” - 2

Bàn Môn Điếm, biên giới chia cắt hai miền Triều Tiên

Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ ra lệnh xử tử người chú đầy quyền lực Jang Song-taek của mình, khiến dư luận quốc tế lo sợ về khả năng xảy ra bất ổn trong nội bộ giới lãnh đạo Triều Tiên. Điều khiến cộng đồng quốc tế quan ngại nhất chính là đường hướng theo đuổi tham vọng hạt nhân của Kim Jong-un sau vụ xử tử bất ngờ này.

Mặc dù vậy, trong thông điệp năm mới hồi đầu tháng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn khẳng định lập trường thống nhất đất nước với Triều Tiên khi nói rằng đó sẽ là “thành công lớn nhất” của nhân dân hai miền và là cơ hội để giúp “nền kinh tế có bước nhảy vọt lớn.”

Bất chấp những niềm lạc quan của các quan chức Hàn Quốc về khả năng thống nhất với Triều Tiên sau vụ xử tử Jang Song-taek, ông Cai vẫn chỉ ra rằng sự nhiệt tình trong khát vọng thống nhất của thanh niên Hàn Quốc đang ngày càng giảm sút trước những nỗi lo lắng lớn hơn về cơm áo gạo tiền trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Ông này viết: “Tình hình trong nước phức tạp cũng sẽ là một thảm họa đối với cả hai miền. Tây Đức đã có mọi bước chuẩn bị cho quá trình thống nhất từ trước năm 1990, trong khi sự ủng hộ cho thống nhất đất nước của người dân Hàn Quốc đã giảm sút đáng kể trong thời gian gần đây.”

Chuyên gia này cho hay kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy 71% người dân Hàn Quốc muốn thống nhất đất nước vào năm 1997, và tỉ lệ này giảm xuống còn 57% vào năm 2010 và chỉ còn 25% vào năm 2013.

Ông Cai kết luận: “Xét trong bối cảnh tình hình thế giới bên ngoài không có gì biến động và những thay đổi chính trị trong nội bộ hai miền, việc thống nhất bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ còn là một giấc mơ xa vời.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Yonhap) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN