Thống đốc NHNN: "Không thiếu tiền lẻ đi chùa"
Mặc dù năm nay kiên quyết không in tiền lẻ nhưng Thống đốc NHNN khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng đủ tiền, đủ mệnh giá và không thiếu tiền lẻ đi chùa.
NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền, đủ mệnh giá dù không in tiền lẻ trong năm nay
Tại buổi họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 diễn ra vào chiều 25/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm nay thủ đô sẽ thực hiện nhiều chuyên đề trong dịp tết với những con đường hoa, đường ánh sáng. Việc thực hiện bắn pháo hoa đêm giao thừa tại 29 điểm cầu được đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn.
Đối với tết trồng cây diễn ra vào mùng 5 tết, ông Sửu cho biết, năm nay Hà Nội sẽ không tổ chức trồng cây trong đình, đền, chùa nữa vì nó rất phản cảm. Năm nay Hà Nội chỉ trồng cây ở các trường học, hay vùng rừng núi.
Một nội dung khác cũng được Phó Chủ tịch Hà Nội đề cập và kiến nghị tại phiên họp này là vấn đề đổi tiền lẻ. Đồng tình với chủ trương của NHNN khi không in tiền lẻ trong năm nay, ông Sửu cho rằng, hình thức đổi tiền lẻ theo kiểu đổi 10 “ăn” 7 cũng là hình thức sai phạm và cần phải ngăn chặn, xử lý.
Cùng đồng tình với chủ trương không in tiền lẻ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nói thêm rằng, việc người dân đổi tiền lẻ, rồi lên chùa bỏ tiền lên mình tượng Phật rất phản cảm, cần phải loại bỏ. Theo Bộ trưởng, việc này chỉ diễn ra ở đền chùa khu vực miền bắc, còn ở phía nam thì không có chuyện người dân bỏ tiền xung quanh tượng Phật. Ông cho rằng miền bắc cần phải học hỏi khu vực phía nam về điều này.
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị xử lý kiểu đổi tiền 10 "ăn" 7. Ảnh VNN
Liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thời điểm cận tết tuy lãi suất có hơi cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nguồn tiền vẫn đảm bảo.
Đối với việc cung ứng tiền mặt, một lần nữa Thống đốc khẳng định, chủ trương năm nay quyết không in tiền lẻ mới, tuy nhiên vẫn đảm bảo cung cấp đủ tiền, đủ mệnh giá. “Năm nay không có tiền mới nhưng không thiếu tiền lẻ đi chùa” – ông Bình nói.
Liên quan đến vấn đề rút tiền mặt và việc nghẽn ở các cây ATM, theo Thống đốc điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi ngày tết người dân và DN thường rút tiền chi tiêu tết nên xảy ra nghẽn. Khắc phục tình trạng này, NHNN chỉ đạo nếu cây ATM bị nghẽn, NH phải kê bàn ra để trả tiền trực tiếp cho khách hàng. Ông Bình cũng khẳng định “hoạt động của các NH đến giờ này đã an toàn”.
Đối với tiền gửi, theo Thống đốc Bình trong thời điểm tháng 1, và tháng 2 bao giờ cũng bị giảm, vì người dân và DN rút tiền ra tiêu tết. Mặc dù vậy, công tác quản lý giá cả năm nay đã tốt hơn nhiều.
Riêng đồ ăn uống năm nay, tỷ lệ tăng lại đứng cuối bảng. Thống đốc cho rằng, chương trình bình ổn giá đã phát huy hết tác dụng, giữa NH, DN và địa phương phối hợp rất chặt chẽ. Ở chiều ngược lại, mức tăng đầu bảng là nhóm GTVT với mức tăng 1,22% do nhu cầu đi lại của người dân tăng trong dịp tết. Thống đốc Bình nhận định, nếu làm tốt việc quản lý giá vé thì có thể kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm tốt hơn nữa.
Để góp phần đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% như kế hoạch đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương nhân rộng mô hình bình ổn vĩ mô như ở TPHCM đang làm bằng sự phối hợp hiệu quả giữa NH, DN và chính quyền địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh “giá cả được kiểm soát rất có lợi cho dân”, vì thế Bộ Công thương phải chỉ đạo các địa phương làm việc này.
Trước những phản ánh về việc khó vay vốn, cho vay lãi suất cao trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải thúc đẩy cho vay để phát triển kinh tế.