Thông báo tên tuổi người hôi của về cơ quan
Lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản sẽ bị thông báo về cơ quan làm việc và nơi cư trú.
Đó là nội dung được quy định trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38 về thông báo người vi phạm giao thông mà Bộ Công an đang lấy ý kiến.
Thông tư này quy định về việc thông báo vi phạm đến công an xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập hoặc nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc. Thông báo vi phạm phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cá nhân sẽ bị thông báo về cơ quan, nơi cư trú nếu có những vi phạm gồm: Không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Hiện trường vụ hôi bia khủng khiếp ở Đồng Nai
Theo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, người nào lợi dụng tai nạn giao thông đường sắt để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Như vậy, hành vi hôi của vừa bị phạt nặng vừa bị gửi thông báo về cơ quan, nơi cư trú.
Người vi phạm mà bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, phải được thông báo về cơ quan, nơi cư trú.
Tất cả các trường hợp trên cũng sẽ bị bêu tên lên báo, đài, truyền thanh địa phương.
Thông tư ghi rõ, hàng tuần, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Đường thủy và các cơ quan liên quan lập danh sách các trường hợp vi phạm giao thông phải thông báo và gửi đến các cơ quan thông tin truyền thông để nêu trên báo, đài, truyền thanh địa phương.
Một số các nhân vi phạm sẽ được gửi về Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để thông báo trên phương tiện thông tin truyền thông Trung ương. Đó là những người vi phạm nghiêm trọng như: chống người thi hành công vụ; sử dụng rượu, bia, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông. Danh sách những người này cũng sẽ bị gửi Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội) để theo dõi.
Người có thẩm quyền xử phạt, cán bộ, cảnh sát khi lập biên bản vi phạm phải ghi đầy đủ, chính xác thông tin về địa chỉ cư trú, cơ quan, đơn vị công tác, học tập của tổ chức, cá nhân vi phạm (số nhà, đường phố; tổ, thôn, ấp, bản…; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thành phố, thị xã…; khu, cụm công nghiệp….).
Khi nhận được thông báo vi phạm, công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lưu vào sổ theo dõi và chuyển đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản…nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, đơn vị, trường học để nhắc nhở, giáo dục.
Công an xã phải báo cáo ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn các trường hợp vi phạm; đề xuất Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản…, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trường học để nhắc nhở, giáo dục.
Đây là một tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là tiêu chí để bình xét thi đua trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Đối với học sinh, sinh viên, đây là một tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức cuối năm học.