Thôn ung thư: Vì đâu nước bẩn?
Gần chục năm qua, "thôn ung thư" ở Hà Nội vẫn đang gồng mình sống giữa nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn nặng nề.
Như đã biết, thôn Xuân Dục (xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) xưa nay được coi là vành đai xanh của Thủ đô. Dân nơi đây chủ yếu sinh nhai bằng nghề làm ruộng, trồng rau. Bao đời nay, người trong thôn vốn khỏe mạnh, ít khi bệnh tật, vậy mà gần chục năm trở lại đây, nhiều người lại chết vì bệnh ung thư. Theo người dân Xuân Dục thì nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt quá bẩn.
Nhà máy thép là nguyên nhân?
Dẫn chúng tôi ra chiếc hồ ở thôn, ông Ngô Đình Thụ, phó thôn Xuân Dục cùng mấy nông dân chỉ tay về phía xa chừng ba bốn trăm mét, nơi có nhà máy đang hoạt động. Họ cho rằng, nguyên nhân nguồn nước ở vùng này nhiễm bẩn là do chất thải của Nhà máy này tạo ra.
Đó là Nhà máy Chế tạo Kết cấu thép Yên Thường (thuộc công ty CP Xây lắp điện I Hà Nội). Nhà máy tọa lạc trên con đường liên thôn xã Yên Thường từ lâu, nhiều người không còn nhớ rõ, hình như khoảng những năm 80 thế kỷ trước. Trước đây gọi là xưởng cơ khí, sau chuyển thành nhà máy làm gia công, mạ kim loại...
Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Yên Thường
Trước đây, không mấy ai để ý, nhưng những năm gần đây, nhiều người sống xung quanh nhà máy lần lượt chết vì ung thư, nguồn nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, họ mới cho rằng đó chính là nguyên nhân.
Một người dân trong thôn đi cùng chúng tôi nói: "Các anh nhìn cái hồ này xem! Chỉ rộng khoảng 2ha nhưng trước đây năm nào cũng thu hoạch được khối cá đấy! Vậy mà những năm gần đây, chẳng ai dám nuôi vì cá không sống được, nước bẩn quá. Giờ chỉ có cây bèo tây mọc được".
Ông Thụ và mấy nông dân cho rằng, chính Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Yên Thường đã thải các hóa chất ra ngoài, hóa chất thấm sâu vào đất khiến nguồn nước ở đây ô nhiễm nặng nề như vậy.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn Yên Khê, cạnh thôn Xuân Dục (trước là trưởng ban quản trị khu tập thể xưởng cơ khí Yên Thường) cũng lắc đầu ngán ngẩm. Ông cho rằng nhà máy đã không tuân thủ quy định về môi trường, đã để nước thải chảy vào lòng đất (các loại hóa chất như HCL, NH4CL, Cromat…). Theo ông Sơn, đó là những chất làm bẩn nguồn nước, độc hại cho cơ thể khi dùng nước sinh hoạt.
Chờ chính quyền giải quyết
Sau khi cùng một số cơ quan vào cuộc, hồi tháng 5/2012, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP. Hà Nội) đã gửi cho UBND xã Yên Thường thông báo kết quả kiểm tra.
Theo đó cho thấy, Nhà máy đã xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, tổng Coliform (một loại vi khuẩn có trong nước thải), vượt 8,6 lần mức cho phép. Qua đó PC49 đã ra quyết định phạt công ty CP Xây lắp điện I Hà Nội (đơn vị chủ quản) mức tiền 12 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thường cho biết, khoảng năm 2005 về trước, Nhà máy này để nước thải tự do chảy ra ngoài, ngấm trực tiếp vào đất. Nông dân không thể canh tác được ở khu vực gần nhà máy, lúa trồng xuống là chết vì chất thải axit, kẽm...
Trước đây, hồ ở thôn Xuân Dục nuôi rất nhiều cá. Những năm gần đây chỉ có bèo tây là sống được. Cách hồ mấy trăm mét là nhà máy.
"Nông dân bức xúc và có ý kiến lên xã nhiều lần. Cơ quan này từng phải bồi thường hoa màu, thủy sản cho dân. Có năm, Nhà máy đã phải bồi thường cho người dân xã Yên Thường hàng tấn cá" - Ông Quang cho hay.
Ông Quang cũng cho biết, xã đã có lần đề nghị Nhà máy đình chỉ sản xuất. Sau đó, Nhà máy đã cho xây dựng lại hệ thống bể xử lý chất thải.
"Tuy nhiên người dân cho rằng, hệ thống bể vẫn có một ngưỡng khiến chất thải bị thoát ra ngoài. Còn trên thực tế như thế nào, chúng tôi không rõ" - Ông Quang nói.
Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, cũng là Phó chủ tịch UBND xã Yên Thường cho rằng, hiện vẫn đang chờ kết luận của huyện và thành phố về việc này.
"Quan điểm của xã là nếu Nhà máy tiếp tục sản xuất, cần phải tuân thủ đúng quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, nhằm đảm bảo đời sống người dân xã Yên Thường. Thậm chí, nhiều công nhân của Nhà máy cũng đang sinh sống ở xung quanh. Việc bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của chính họ" - ông Đoàn nhấn mạnh.
Chúng tôi đã liên hệ với Công ty CP Xây lắp điện I Hà Nội để tìm hiểu về phương án xử lý đối với Nhà máy ở Yên Thường. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đang bận họp nên vẫn chưa có câu trả lời.
Trong khi chờ đợi quyết định từ các cấp chính quyền thì dân ở "thôn ung thư" cũng như người dân xã Yên Thường vẫn phải hàng ngày sống chung với nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm.