Thời tiết 2020 nhiều bất thường, bão muộn với cường độ mạnh ở Trung và Nam Bộ
Lượng mưa nửa đầu năm 2020 giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, trong khi nửa cuối năm 2020 sẽ là những cơn bão nhắm vào Trung Bộ và Nam Bộ.
Quang cảnh tan hoang khi bão số 12 đổ bộ vào thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 4/11/2017.
Nhìn những diễn biến thời tiết bất thường ở Trung Quốc và một số nơi tại Việt Nam như Hà Giang, Lâm Đồng,…, người dân Nam Bộ đang đặt câu hỏi liệu diễn biến của mưa bão năm nay ở khu vực Nam Bộ có đáng lo ngại hơn so với mọi năm hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng Phòng Dự báo (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ).
Về diễn biến thời tiết của nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ các năm gần đây, có điều gì bất thường và đáng chú ý, thưa ông?
Thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm nay trễ hơn khoảng 10 - 15 ngày so với trung bình nhiều năm (TBNN). Năm nay, mưa ở các tỉnh Nam Bộ phổ biến từ ngày 18 - 25/5. Tổng lượng mưa tháng từ tháng 1 đến tháng 5 tại các tỉnh, thành phổ biến thấp hơn so với TBNN. Riêng tháng 6 có 50% tỉnh, thành thấp hơn so với TBNN, trong khi các tỉnh miền Đông phổ biến cao hơn so với TBNN từ 20 - 40%.
Mặc dù tổng lượng mưa thấp hơn so với TBNN nhưng xuất hiện khá nhiều những trận mưa trên 100mm, tại các tỉnh miền Đông, miền Tây và TP.HCM. Cụ thể là ngày 10, 14, 16, 21, 25, 28/6, trong một tháng có tới 6 ngày có tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 100mm.
Ngoài ra, từ đầu tháng 5 đến nay, gió Tây Nam hoạt động không mạnh, ít xuất hiện gió mạnh trên biển. Mùa bão năm nay tương đối muộn, từ 12/6 mới xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, sau đó mạnh lên thành cơn bão đầu tiên (số 1) hoạt động trên biển Đông.
Nửa cuối năm còn lại, ông dự báo sẽ có bao nhiêu cơn bão ở Nam Bộ, bao nhiêu trong số đó sẽ đi vào đất liền và với cường độ ra sao?
Có khả năng xuất hiện 9 - 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều vào những tháng cuối năm ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Người dân cần đề phòng những cơn bão cường độ mạnh.
Với việc năm nay nhuận tháng 4 âm lịch, theo ông, điều này có làm thay đổi khoảng thời gian bão ảnh hưởng tới Nam Bộ?
Theo thống kê, có tới trên 90% các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới (HTNĐ). Dải HTNĐ hình thành chủ yếu do gió tín phong Đông Bắc và Tây Nam. Cơ chế hoạt động này phần lớn phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, do vậy việc tháng nhuận không làm thay đổi hoạt động, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới.
Qua đây, xin ông chia sẻ đôi chút về những công nghệ, dữ liệu mà Đài đang sử dụng để có thể dự báo trước cả một mùa mưa bão.
Công tác dự báo của Đài hiện nay thực hiện theo nhiều thời hạn dự báo khác nhau: Dự báo, cảnh báo thời tiết cực ngắn (dưới 6 giờ), dự báo trước 10 ngày (dự báo điểm 10 ngày), dự báo trước 1 tháng, trước 3 tháng, 6 tháng, nhận định mùa (cả năm).
Năm 2020, dự báo những cơn bão sẽ xuất hiện muộn hơn với nhiều cơn bão có cường độ mạnh.
Các phương pháp gồm phương pháp thống kê, phương pháp phân tích synop. Hiện nay, phương pháp chủ đạo là sử dụng mô hình số trị, dựa vào số liệu quan trắc làm đầu vào, sau đó dùng máy tính để giải các bài toán thủy động lực học.
Nói một cách đơn giản, phương pháp dự báo thời tiết số trị (numerical weather prediction) là phương pháp dự báo sử dụng điều kiện hiện tại của khí quyển để đưa vào mô hình toán học/dự báo để dự báo cho điều kiện khí quyển tương lai.
Mô hình toán học/dự báo là một chương trình máy tính có nhiệm vụ giải các hệ phương trình nhiệt động lực khí quyển để dự báo các biến khí quyển trong tương lai. Hệ phương trình nhiệt động lực là hệ các phương trình vi phân mô tả chuyển động và vật lý của khí quyển.
Ngoài ra, Đài cũng tham khảo thêm các sản phẩm dự báo của các nước tiên tiến trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Thiên tai - dịch họa khả năng sẽ cùng hoành hành khiến cho việc vừa triển khai ứng phó dịch, vừa lo chống mưa bão của...
Nguồn: [Link nguồn]