Thời sơ tán: Như chưa hề có cuộc chia ly

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Lớp người trẻ thời sơ tán giờ đã qua tuổi thanh niên, có người đã lên hàng ông, bà; người vẫn ở Hà Nội, người vì yêu cầu công tác, cuộc sống đã tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước.

Nhưng dù ở đâu, làm gì họ vẫn không quên một thời gian khó.

“Đói khát, khốc liệt nhưng cũng thật đẹp. Thời sơ tán giờ đã lùi xa, nhưng trong tâm hồn chúng tôi, những người đi sơ tán và người địa phương vẫn như chưa hề có cuộc chia ly” - nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, hiện ngụ tại Q.1, TP.HCM, tâm sự...

Kết nối vòng tay

Cách đây không lâu, tại nhà thờ họ Phùng ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ (di tích được xếp hạng của TP Hà Nội) đã diễn ra một cuộc họp mặt “ba bên” khá thú vị giữa những thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân - phụ huynh trẻ sơ tán và người dân địa phương nơi tiếp nhận trẻ. Những người bạn lên năm, lên mười ngày nào giờ có người đã bạc mái đầu, ôm chầm lấy nhau, tíu tít thăm hỏi, chuyện trò.

“Đây là thầy Hợi, hiệu trưởng trường cấp I của xã Hữu Văn năm xưa. Đây bác Hoan, bác Bài, bác Giao, đại diện họ Phùng và cũng là những chủ nhà đã nhường cho chúng ta chỗ ở tốt nhất, đào hầm trú ẩn cho ta trú bom. Đặc biệt, buổi họp hôm nay còn có cô Bình Định, bảo mẫu, người không quản ngày đêm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chúng ta năm xưa vừa từ TP.HCM ra...” - một thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân giới thiệu. Câu chuyện càng lúc càng rôm rả khiến người ta cứ ngỡ không phải một cuộc viếng thăm, mà là hành trình trở về của những đứa con xa nhà!

Thời sơ tán: Như chưa hề có cuộc chia ly - 1

Những thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân trong một chuyến thăm lại nơi sơ tán tại nhà thờ họ Phùng, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - Ảnh: Hà Huy Hồng

Thật ra từ nhiều năm trước, một số thành viên trại trẻ đã có những chuyến hành hương tìm về nơi sơ tán, nhưng đây là lần đông đủ thành phần nhất. Để có chuyến trở về ý nghĩa này, cách đây năm năm một trang mạng đặc biệt mang tên “trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân” đã ra đời, kết nối hơn 130 thành viên đang làm việc, sinh sống khắp mọi miền đất nước. “Đó là tổ ấm, là mái nhà chung kết nối chúng tôi, để cùng ôn lại kỷ niệm đẹp, qua đó tự nhắc mình có trách nhiệm hơn với thế hệ tương lai” - anh Hà Huy Hồng, thành viên trại trẻ, hiện là cán bộ báo Nhân Dân, nói.

Thời sơ tán, để bảo đảm an toàn cho thế hệ tương lai, có tới 4.000 trại trẻ được lập ra ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những trại trẻ này đã tiếp nhận, chăm sóc hàng chục ngàn thiếu niên, nhi đồng là con em các cơ quan, đơn vị, cụm dân cư ở trung tâm Hà Nội. Sau ngày ký Hiệp định Paris (tháng 1-1973), các em mới được trở về nhà, tiếp tục học tập sinh hoạt như thời bình. Thời gian dù là ngắn ngủi được sống trong sự quan tâm, bảo bọc, yêu thương của cả cộng đồng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn trẻ thơ. “Bài học về lòng yêu thương, sự sẻ chia và tinh thần tự lập là hành trang quý báu nhất cho những trẻ em trải qua cảnh sống sơ tán trong thời chiến như chúng tôi” - anh Hà Huy Hồng tâm sự.

Tình người ở lại

Bà Hiền là con đầu của nhà văn Kim Lân. Thời sơ tán do bố phải ở lại làm việc tại báo Văn Nghệ, bà đã cùng sáu người em sơ tán về nông thôn.

“Trong những năm chiến tranh phá hoại, bảy anh em tôi đã không dưới bốn lần sơ tán, khi ở Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai (Hà Tây cũ), khi lên Tân Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tới đâu chúng tôi cũng được bà con địa phương chăm lo hết lòng, thậm chí họ còn tranh nhau để được đón người Hà Nội sơ tán, xem việc đó là niềm tự hào của gia đình mình” - bà Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.

Trong ký ức của nữ họa sĩ đã bước qua tuổi 60 vẫn còn nguyên hình ảnh của ông lão Bàng ở đồi Non Tứa (Tân Yên, Bắc Giang), khi được tin có gia đình đến sơ tán đã dành sẵn nồi lạc nóng hổi để mấy chị em Hiền chống đói sau chuyến hành trình mấy chục cây số bằng xe đạp. Hay như chuyện vợ chồng ông lão ở Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây cũ) thay nhau ra sông giăng lưới bắt cá nấu món canh riêu ngon đáo để cho anh em Hiền dùng. Và càng không thể quên chuyện ông bà Cát có bốn cô con gái, đặt tên nghe rất ngộ: Bùn, Ao, Tắm, Mát! Lúc đầu không hiểu tiếng địa phương nên khi nghe cô út Mát nhờ lấy cái bát trên cái tần (bàn), mấy chị em Hiền chả hiểu ra làm sao. Rồi thì có việc cần hỏi mẹ thì các cô lại bảo “ầm” (tức mẹ) đi vắng.

Thời sơ tán: Như chưa hề có cuộc chia ly - 2

Các em nhỏ Hà Nội trước căn hầm chữ A tại nơi sơ tán - Ảnh: Tiên Thắng chụp lại từ ảnh tư liệu

“Lắm khi do bất đồng ngôn ngữ, con chủ nhà và đám trẻ sơ tán lại cãi nhau ầm trời. Nhưng lạ, mỗi lần có chuyện xích mích, ông bà chủ nhà đều đứng ra bênh khách” - bà Hiền kể.

Cũng như anh em bà Hiền, bà Nguyễn Thu Thủy, người Hà Nội, hiện đang làm việc tại một văn phòng luật sư tại Frankfurt (Đức), đã gửi cho chúng tôi những dòng tâm sự: Khi chiến tranh phá hoại vào cao điểm, cha bà đã hi sinh, còn mẹ là công chức phải ở lại thủ đô làm việc, anh em bà sơ tán về thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú.

“Nơi chúng tôi đến ở nhờ là nhà cụ Trà, đã ngoài 70 tuổi. Vợ chồng cụ có người con trai đầu đã hi sinh ở chiến trường miền Nam, người con rể cũng đang tham gia quân đội. Ở nhà chỉ còn cô gái út tên Thêm và người chị dâu nên khi chúng tôi đến hai cụ vui lắm, coi như con cháu trong nhà. Chúng tôi ăn cơm với ông bà. Cơm chỉ có canh dưa và cá tép bắt ở ao, nhưng cả ba đứa ăn ngon lành. Bà mắt kém nhưng có bao nhiêu thức ăn ngon trên mâm cứ gắp đầy bát ép tôi ăn vì “thương con bé gầy và chịu khó”.

Lúc không phải tới trường, tôi theo các bạn trong làng đi bắt cua. Do không thạo việc nên bắt được ít. Thấy vậy trước khi về, các bạn đã lén đổ thêm cua vào giỏ cho tôi. Mãi tới bây giờ tụi tôi vẫn nhắc về những kỷ niệm đẹp ấy”.

Người chèo thuyền ở bãi Phúc Tân

Ngày trước, phố Phúc Tân (P.Phúc Tân, Q. Hoàn Kiếm) dưới chân cầu Long Biên bây giờ còn là bãi, quy tụ nhiều thuyền ghe của dân làm nghề đánh cá trên sông Hồng. Trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, hầu hết cư dân xóm nghề này đã chèo ghe sơ tán lên mạn ngược sông Hồng. Nhưng vẫn còn một đội ghe chừng 30 chiếc tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ đưa người từ trung tâm Hà Nội băng qua sông Hồng để sơ tán sang vùng ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh.

Ông Nguyễn Văn Khải (năm nay 77 tuổi) là thành viên trong đội chèo thuyền ngày ấy. Ông kể: “Mỗi chuyến vượt sông Hồng mất độ 20 phút, thuyền chỉ chở được 6-7 người nên chúng tôi phải chèo liên tục cả ngày lẫn đêm mới đưa hết số người sang sông đi sơ tán. Nhiều lúc thuyền ra giữa dòng, thấy bom rơi đằng xa, bụi đất vãi đầy mặt sông nhưng tôi mặc kệ, cứ chèo mải miết suốt mấy ngày đêm vì thấy còn quá nhiều người phải qua sông đi sơ tán, chậm giờ nào thì nguy giờ đấy. Khi nào mệt và đói quá thì tôi dùng chân đạp chèo để rảnh tay gặm bánh mì. Không hiểu sao lúc ấy mình khỏe và gan đến vậy”.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Điệp - Tấn Đức (Tuổi Trẻ)
Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN