Thời lượng, học phí đào tạo lái xe: Mỗi nơi một kiểu

Sự kiện: Tin ngắn

Mỗi trường dạy lái xe quy định số giờ đào tạo và mức học phí khác nhau khiến cho học viên hoang mang không biết nên chọn trường nào mới đủ điều kiện thi sát hạch.

Hiện nay, tại nhiều trường dạy lái xe, có tình trạng mỗi nơi một mức học phí và số giờ học khác nhau khiến nhiều người có nhu cầu học lái xe hoang mang. Khảo sát một số đơn vị đào tạo lái xe tại TP.HCM, số giờ học mỗi đơn vị khác nhau, dao động từ 16 giờ đến 56 giờ đào tạo. Thời gian học càng ít thì học phí càng thấp. Tuy nhiên, một số đơn vị cũng cho biết nếu số giờ đào tạo đưa ra ban đầu mà học viên không đủ điều kiện để sát hạch thì học viên phải nộp thêm 270.000 đồng/giờ bổ sung.

Mỗi nơi một kiểu

Cụ thể, tại Trường Dạy lái xe Thành Đạt (quận Bình Tân), nhân viên ở đây giới thiệu học phí bằng lái xe B1 là 21,76 triệu đồng. Tương ứng với 20 giờ học thực hành theo chương trình 1 kèm 1 học thực lái, mỗi buổi học 3-4 giờ. Riêng phần lý thuyết sẽ hỗ trợ học viên học online buổi tối, không giới hạn số buổi.

Đối với bằng lái xe hạng B2 học phí thấp hơn và có giá 20,76 triệu đồng, số giờ học thực hành tương tự. “Giờ học này là giờ thực lái, khi nào học viên cầm vô lăng thì mới bắt đầu tính giờ. Trong 20 tiếng này là học lái xe ngoài đường, học mô phỏng và cabin, nếu học viên có nhu cầu học thêm thì mua thêm giờ” - nhân viên ở đây cho biết.

Cũng theo chia sẻ của nhân viên này, theo quy định học viên phải lái 710 km (đối với bằng B1) mới đủ điều kiện để được sát hạch, nếu học viên học theo số giờ của trường đề ra có 13 tiếng để chạy DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành tài xế).

“Nếu không đủ thì học thêm là 270.000 đồng/giờ (bao gồm cả xăng xe và giáo viên dạy thêm). Thông thường trường em chạy được 50-60 km/giờ, nên thời lượng như vậy là đủ điều kiện để thi” - nhân viên này chia sẻ thêm.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật nghiệp vụ Quý Đức (Bình Chánh), học phí hạng B1 là 23 triệu đồng, bao gồm học lý thuyết, thực hành và chạy lái xe trên đường 710 km. Trong đó, học viên được học 16 giờ thực hành lái xe trong hình và lái xe trên đường. Riêng chạy DAT là hai ngày chạy 710 km trên đường. Hạng B2 có học phí 22 triệu đồng và số giờ giống như B1 và chạy số DAT là 810 km.

Các nhân viên ở đây cho biết với số tiền học phí này, học viên không cần nộp thêm. Khi được hỏi về số giờ đào tạo thấp, nhân viên ở đây cho biết các trường khác 20 giờ là bao gồm chạy DAT ngoài đường, còn tại trường, mức học phí này đảm bảo học viên đủ điều kiện để thi.

Đối với Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia (Bình Chánh) hiện có mức học phí khá cao thì cũng có số giờ học cao nhất tại khu vực TP.HCM. Theo trung tâm này, ngoài thời gian học lý thuyết ba tuần, người học lái xe hạng B1 học phí nay giảm xuống còn 28,8 triệu đồng, tương ứng với 56 giờ thực hành. Riêng người học B2 có học phí là 29,8 triệu đồng và số giờ học là 64 giờ.

Trong đó, học cabin là 3 giờ, học lái xe trong hình là 41 giờ. Thời gian còn lại là học viên chạy DAT đủ 710 km (đối với hạng B1) và 810 km (đối với hạng B2). Trung tâm Hoàng Gia có thời gian đào tạo cao hơn rất nhiều các đơn vị đào tạo lái xe khác.

Bằng lái xe hạng B2 hiện nay quy định là đủ 40 giờ và 810 km. Ảnh: TN

Bằng lái xe hạng B2 hiện nay quy định là đủ 40 giờ và 810 km. Ảnh: TN

Không đủ dữ liệu sẽ không được thi sát hạch

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, cho biết người học phải tìm hiểu kỹ khi ký hợp đồng giữa học viên và đơn vị đào tạo lái xe. Học viên không nên nghe theo các lời mời trên mạng xã hội vì trong hợp đồng đào tạo sẽ nêu rõ số giờ học.

“Mỗi một đợt các đơn vị đào tạo gửi danh sách học viên, Sở GTVT sẽ kiểm tra học viên học đủ số giờ và chạy đủ số DAT theo quy định mới duyệt danh sách đủ điều kiện thi sát hạch” - ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, bằng lái xe hạng B2 có 3 giờ cabin, 41 giờ trong hình và 40 giờ trên đường (đạt 810km). Tuy nhiên theo Thông tư 04/2023, học viên chạy đủ 810km thì đạt đủ 50% số giờ quy định thì đủ điều kiện thi sát hạch bằng lái xe.

“Giống như việc học ĐH hiện nay, mỗi môn sinh viên được nghỉ tối đa bao nhiêu tiết học thì quy chế đào tạo lái xe cũng gần giống như vậy, học tập đủ điều kiện 70% thì đủ điều kiện thi” - ông Quang đưa ví dụ.

Ông Quang khuyến cáo, học viên cẩn trọng đối với nơi nào giới thiệu mức học phí thấp nhưng không đủ số giờ thì phải tìm hiểu kỹ. Nếu dạy thiếu giờ, thiếu kilomet thì không đảm bảo đủ điều kiện để thi sát hạch, không đủ dữ liệu thì không được sát hạch.•

Chi tiết quy định số giờ học

Theo quy định tại Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT, khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo đối với đào tạo lý thuyết với hạng B1 là 136 giờ, hạng B2 là 168 giờ.

Riêng đối với đào tạo thực hành, thông tư quy định hạng B1 học xe số tự động là 68 giờ với một học viên gồm: Thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái (41 giờ), thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông (24 giờ), số giờ thực hành trên ca bin học lái ô tô (3 giờ), tổng quãng đường đào tạo thực hành (1.000 km).

Hạng B1 học xe số cơ khí là 84 giờ gồm: Thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái (41 giờ), thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông (40 giờ), số giờ thực hành trên ca bin học lái ô tô (3 giờ), tổng quãng đường đào tạo thực hành (1.100 km).

Hạng B2 tổng thời lượng 84 giờ gồm: Thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái (41 giờ), thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông (40 giờ), số giờ thực hành trên ca bin học lái ô tô (3 giờ), tổng quãng đường đào tạo thực hành (1.100 km).

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về độ tuổi lái xe và bổ sung quy định về độ tuổi tối đa khi được lái xe đối với cả nam và nữ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN