Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine có thể chấm dứt đổ máu?

Đông Ukraine bất ngờ im tiếng súng nửa đêm qua (14.2) khi Tổng thống Petro Poroshenko lệnh cho quân đội ngừng bắn sau một ngày giao tranh ác liệt với phe ly khai. Liệu lệnh ngừng bắn mới chính thức có hiệu lực hôm nay có khả năng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu trong khu vực?

Các bên cam kết thực thi ngừng bắn

Theo Telegraph, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí nhằm thể hiện quyết tâm thực thi thỏa thuận ngừng bắn mới bắt đầu có hiệu lực vào hôm nay (15.2) sau cuộc đàm phán 4 bên xuyên đêm kéo dài tới 17 tiếng tại thủ đô Minsk của Belarus hôm 12.2.

Xuất hiện trên truyền hình đêm qua (14.2), ông Poroshenko nhấn mạnh: "Tôi rất hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn -  cơ hội cuối cùng và khó khăn lắm với đạt được, nhằm mở đường cho tiến trình hòa bình lâu dài tại Đông Ukraine sẽ không bị lãng phí. Bước đầu, tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Ukraine... ngừng bắn lúc 0h00 ngày 15.2", ông Poroshenko  nhấn mạnh.  

 
Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine có thể chấm dứt đổ máu? - 1

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko.


Trong khi đó, Phát ngôn viên quân sự Ukraine Vladyslav Selezynov xác nhận, các lực lượng vũ trang Ukraine đã ngay lập tức chấp hành mệnh lệnh của ông Poroshenko.  

Các trận pháo kích dữ đội tại Donetsk, chiến trường đẫm máu nhất tại miền Đông Ukraine, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai địa phương sau đó được thông báo đã tạm ngừng nửa đêm qua.

Tuy nhiên, ông Poroshenko vẫn cảnh báo rằng, tình hình vẫn còn căng thẳng xung quanh thành phố Debaltseve, cửa ngõ giao thông quan trọng, nơi quân đội Kiev vẫn đang bị  ly khai địa phương bao vây.

Trong khi đó, theo hãng tin Nga Ria Novosti, thủ lĩnh lực lượng ly khai Donetsk, ông Alexander Zakharchenko ngày 14.2 cũng đã ký sắc lệnh ngừng bắn đồng thời chỉ thị các chiến binh ly khai tuân thủ "lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức" theo thời gian các bên đã nhất trí trong các cuộc đàm phán 4 bên mới đây.

Ông Zakharchenko cũng chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tổ chức cùng kiểm tra thực thi lệnh ngừng bắn với phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). 

Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine có thể chấm dứt đổ máu? - 2

Thủ lĩnh lực lượng ly khai Donetsk Alexander Zakharchenko (giữa) được nhóm tay súng bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Zakharchenko cũng cảnh báo, các lực lượng ly khai vẫn quyền đáp trả "bằng toàn bộ sức mạnh và phương tiện" trong trường hợp bị quân đội Kiev tấn công trước.

Trong khi đó, một nhân vật cấp cao phe ly khai của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng cũng khẳng định lực lượng của họ sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng.

Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dânLugansk  tự xưng  Aleksei Karjakin cho hay, lực lượng ly khai tại đây đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến: "Chúng tôi đã rút pháo binh hạng nặng, dù các binh sĩ của chúng tôi vẫn ở lại vị trí. Chúng tôi đang làm tất cả các bước để kết thúc cuộc chiến".

Theo các điều khoản của thỏa thuận hòa bình, hai bên tham gia giao tranh tại Ukraine có 2 ngày để bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến kể từ khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực vào lúc 0h00 ngày 15.2 theo giờ Kiev (tức 5h cùng ngày theo giờ Việt Nam). Vũ khí hạng nặng phải được rút khỏi khu vực xung đột Donbass trong vòng 14 ngày tiếp theo.

Thỏa thuận ngừng bắn mới được xem là một bước tiến lớn cho tiến trình tìm kiếm hòa bình lâu dài cho Đông Ukraine sau hơn 10 tháng xung đột khiến hơn 5.400 người thiệt mạng và hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ chỉ sau 2 giờ có hiệu lực

Theo hãng tin Itar-tass của Nga, chỉ 2 giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Eduard Basurin sáng ngày 15.2 lên tiếng cáo buộc, phía quân đội Kiev đã vi phạm trắng trợn thỏa thuận này.

Tại cuộc họp khẩn sáng 15.2, ông Basurin cho biết, quân đội Kiev đã nã đạn cối và đạn pháo vào các cứ điểm của Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng vào lúc 2h sáng theo giờ địa phương (khoảng 7 giờ ở Việt Nam).

Cuộc tấn công đã buộc các chiến binh ly khai ở Donetsk phải nổ súng đáp trả.

Người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Zakhachenk cũng phẫn nộ lên tiếng kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn về hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của quân đội Ukraine. 

Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine có thể chấm dứt đổ máu? - 3
Xe tăng của quân đội Ukraine xuất hiện trên con đường gần thành phố Debaltseve, Đông Ukraine.

Trong khi đó, theo AP, lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraine Valentyn Nalyvaichenko ngày 15.2 cũng tuyên bố, ông đã nhận được báo cáo về một cuộc tấn công vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ 50 phút sau khi nó có hiệu lực. Đạn pháo đã được khai hỏa từ khu vực gần Nalyvaichenko.

Bản thân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sáng 15.2 cũng lên tiếng cảnh báo, tiến trình hòa bình ở nước này đang "bị đe dọa" bởi lực lượng ly khai, vốn đang vây hãm quân Ukraine tại thành phố chiến lược Debaltseve.

"Thật không may, tiến trình hòa bình đang bị đe dọa. Quân ly khai sẽ lợi dụng Debaltseve để phá hoại thỏa thuận ngừng bắn này. Với tư cách là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang, tôi muốn hòa bình", ông  Poroshenko phát biểu.

Ngày 14.2, vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, quanh khu vực Mariupol, Debaltseve vẫn diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội khi quân đội chính phủ nỗ lực giành lại quyền kiểm soát một tuyến đường cao tốc nối thị trấn này với nơi họ đóng quân. Quân đội chính phủ Ukraine hiện đang bị bao vây tại thành phố Debaltseve và được cho là đã cạn kiệt đạn dược.

Chính quyền Kiev cáo buộc, lực lượng ly khai đang tìm mọi cách mở rộng vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Petro Mekhed tuyên bố: "Theo thông tin mà tôi có được, lực lượng ly khai đã nhận lệnh phải cắm cờ ở Mariupol và Debaltseve."

Thành phố Debaltseve là nút giao thông chiến lược, có thể khống chế toàn bộ hoạt động vận chuyển than ở khu vực. Trong khi đó, việc chiếm giữ thành phố cảng Mariupol được cho sẽ là bước đi quan trọng nhằm thiết lập một hành lang giữa Nga và bán đảo Crimea.

Như vậy, cũng giống như thỏa thuận được các bên tham chiến tại Ukraine nhất trí ký tại Minsk hồi 9.2014, thỏa thuận ngừng bắn lần này cũng bị vi phạm ngay sau khi có hiệu lực không lâu, làm dấy lên quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường tiếp theo ở quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo BBC, Telegraph) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN