Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang nói về tín dụng "đen", vướng mắc trong PCCC ở Đồng Nai
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho rằng vấn nạn tín dụng "đen" diễn ra trên cả nước; cần tuyên truyền để người lao động không rơi vào bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Chiều 11-8, các vấn đề "nóng" như tín dụng "đen" trong công nhân, vướng mắc của doanh nghiệp về PCCC đã được Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, giải đáp.
Đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai với các doanh nghiệp trên địa bàn về công tác an ninh- trật tự, ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái, bức xúc về vấn đề cho vay nặng lãi trong công nhân.
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái, bức xúc về vấn đề cho vay nặng lãi trong công nhân
"Có trường hợp công nhân vay tín dụng "đen" mà nhiều lãnh đạo công ty bị gọi điện "khủng bố", đòi nợ suốt ngày. Chúng tôi báo công an thì tình trạng này mới chấm dứt. Tuy nhiên, giờ các đối tượng "khủng bố" bằng việc đòi nợ qua gmail, gửi liên tục khiến chúng tôi rất phân tâm, lo lắng, bất an" - ông Thanh nói và mong muốn lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai xem xét, xử lý.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho rằng vấn nạn tín dụng "đen" trong công nhân không chỉ diễn ra tại Đồng Nai mà còn trên cả nước. Qua thống kê, 60% người dân có nhu cầu không chính đáng khi vay tín dụng "đen". Khi người dân đã dính bẫy tín dụng "đen", các đối tượng sẽ đòi nợ "khủng bố" người vay, lãnh đạo cơ quan của nạn nhân, người thân trong gia đình.
"Chúng tôi đề nghị lãnh đạo các công ty quán triệt, tuyên truyền cho người lao động hiểu, không rơi vào bẫy tín dụng "đen" của các đối tượng cho vay nặng lãi. Đề nghị công ty gửi thông tin, hình ảnh vụ việc cho công an địa phương, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của tỉnh để có đối sách" - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp "than" tiền đầu tư làm hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn có khi hơn 30% tổng chi phí công trình và thủ tục rườm rà, thời gian làm hồ sơ kéo dài nên nhiều công ty phải đình chỉ sản xuất hoặc đình chỉ hoạt động.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà đề xuất Công an tỉnh Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh các quy định bất cập về PCCC nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong thời điểm khó khăn, cần phục hồi sản xuất như hiện nay. Đồng thời, đề xuất mở đường dây nóng và tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định PCCC.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang ghi nhận các ý kiến và đề nghị công an các huyện, TP chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vấn đề vượt thẩm quyền thì kiến nghị Công an tỉnh và UBND tỉnh để được giải quyết nhanh chóng; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác PCCC; hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài trong vấn đề xuất nhập cảnh...
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cũng đề nghị công an các huyện, TP tăng cường trấn áp tội phạm. Phòng CSGT Công an tỉnh tập trung xử lý xe quá khổ, quá tải trong các KCN gây mất an toàn giao thông; công an xã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tổ tự quản nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh - sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Với thời hạn cho vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng, gói tín dụng 20.000 tỉ đồng được...