Thiếu nước sạch, dịch bệnh bủa vây người dân vùng lũ
Địa bàn Quảng Nam, Bình Định đang phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều dịch bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ...
Địa bàn Quảng Nam, Bình Định đang phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều dịch bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ...
Nước trong các giếng tại thôn Đông Bình đã bị nhiễm bẩn, đen ngòm. Ảnh: Quốc Nhựt
Người dân vùng “rốn lũ” trên địa bàn Quảng Nam, Bình Định đang phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều dịch bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ...
Khốn khổ vì thiếu nước sạch
Gần tháng nay, gia đình bà Võ Thị Liên (62 tuổi, trú thôn Đông Bình, Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng nhiều bà con trong thôn không có nước sạch để dùng. Hàng ngày, bà Liên “canh trời” hứng nước mưa để dự trữ. Nhiều hộ phải dùng nước giếng đục ngầu, lẫn bùn. “Nghe nói lũ làm vỡ đường ống nước sạch. Còn nước giếng thì đục ngầu hết, giặt đồ còn đen thì ai dám ăn uống”, bà Liên nói.
Ghi nhận, phần lớn các giếng trong thôn đều bị nhiễm bẩn sau những ngày chìm trong nước lũ. Theo người dân, khi lũ lên, mọi người dùng vật che miệng giếng nhưng lũ năm nay rất cao, ngập phủ các giếng. Nước rút, các giếng đều chuyển màu ngả đục rồi đen ngòm. “Chúng tôi múc nước lên, lọc qua mấy lần, nấu chín mới dám sử dụng. Còn nước đóng chai thì tăng giá gấp 2-2,5 lần. Bình 20 lít ngày thường chỉ trên dưới 10.000 đồng, giờ lên giá 25-30.000 đồng”, bà Đỗ Thị Hoa (thôn Đông Bình) nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết: Hiện, có gần 1.200 người dân tại thôn Đông Bình không có nước sạch để dùng do đường ống dẫn ngầm dưới lòng sông Thu Bồn bị vỡ. Trong khi đó, con đường độc đạo dẫn vào thôn cũng đã bị lũ đánh vỡ, cô lập, việc đi lại, chuyển nước sạch phải sử dụng bằng thuyền khiến giá nước tăng nhiều lần. “Địa phương cũng đang lo lắng. Người dân sử dụng nước giếng ô nhiễm sẽ dễ gia tăng mắc các bệnh về tiêu hóa, đau mắt”, ông Sáu nói.
Tại xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam), một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng trong cơn lũ vừa qua với gần 700 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m, hiện tại cũng đang trong tình trạng thiếu nước sạch. Theo ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, do hàng trăm giếng bị nhiễm bẩn nên bà con phải hứng nước mưa hoặc đi xa gánh nước. Địa phương đang đề nghị ngành Y tế cấp thuốc khử trùng.
Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đại Lộc cho biết: Huyện có 17/18 xã bị ngập sâu, thiếu nước sinh hoạt. Theo ông Hải, đơn vị huy động lực lượng dọn dẹp môi trường và theo dõi sát sao các bệnh liên quan đến đường ruột, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết để tránh xuất hiện ổ dịch.
Căng sức phòng dịch sau lũ
Tại các vùng rốn lũ Bình Định, lực lượng chức năng tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch sau lũ. Theo thống kê của ngành Y tế huyện Tuy Phước (Bình Định), lũ đã khiến hơn 400 giếng nước bị bẩn. Tại nhà bà Võ Thị Thu (49 tuổi, trú xã Phước Quang), sau khi lũ rút, vẫn ngập ngụa bùn non và rác. “Mấy ngày nay, hơi bùn non và rác bốc lên khiến mắt tôi cay xè, chảy nước mắt suốt, vừa tính lên bệnh viện khám xem thế nào. Hai đứa nhỏ ở nhà thì có triệu chứng cảm sốt”, bà Thu nói.
Theo BS. Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, sau khi lũ rút, TTYT đã phối hợp với chính quyền địa phương cấp phát thuốc cho người dân khử trùng giếng nước, vệ sinh môi trường xung quanh chống phát sinh bọ gậy… “Đến thời điểm này, đơn vị ghi nhận nhiều trường hợp dị ứng với nước lũ, mùi bùn non chứ chưa xuất hiện ổ dịch sau lũ”, ông Hùng thông tin và cho biết thêm, TTYT huyện vẫn đang tiếp tục rà soát để kiểm soát dịch bệnh kịp thời.
Tương tự, tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), lũ cũng khiến 144 giếng nước bị ngập. Theo BS. Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, sau khi lũ rút, ngành Y tế huyện đã cấp phát cloruaminB cho các hộ dân có giếng nước bị ngập để khử trùng. Đồng thời kiểm tra, giám sát môi trường vùng ngập mỗi ngày nên vấn đề dịch bệnh sau lũ được kiểm soát tối đa. Đến nay, vẫn chưa xuất hiện ổ dịch tại địa phương.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết: Liên tục hai tháng qua xuất hiện 5 đợt lũ trên địa bàn tỉnh nên công tác kiểm tra, ứng phó với dịch bệnh sau lũ được duy trì thường xuyên. “Sở Y tế tỉnh đã thành lập 10 đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương kiểm tra tình hình dịch bệnh và khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Tính đến nay, công tác đảm bảo dịch bệnh sau lũ tại địa phương vẫn đang triển khai hiệu quả nên chưa có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh”, ông Hùng nói.