Thiếu nữ trở về sau 18 năm bị lừa bán
Bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 17 tuổi, sau 18 năm lưu lạc với bao tủi nhục, đắng cay, chị Nguyễn Thị L. (SN 1977, trú xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã trở về được quê hương vào tháng 6 vừa rồi.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Chúng tôi tìm về nhà ông Ái (bố chị L). Một giờ chiều, chị L. xong việc ở xưởng cá, về nhà.
Chị kể: Ngày đó, nhà chị rất nghèo. Học lớp 1, L. phải cõng theo em đến trường, rồi chị không thể học tiếp lớp 2.
Là chị cả của ba đứa em, bố bị mù bẩm sinh, mẹ lại đi sớm về khuya nên tuổi thơ của L. đã sớm gắn với những công việc của một trụ cột gia đình. L dắt cả 3 đứa em ra bãi cát vừa bắt ngao vừa trông em.
Khi mùa nước dâng không thể bắt thủy sản, L. cuốc bộ lên Quỳnh Vinh cách nhà 7 cây số mua sắn về luộc, đem ra chợ bán.
Chị L. (phải) bên bố mẹ và con người em trai
Năm 17 tuổi, L. được nhiều trai làng để ý. Một ngày nọ, có người phụ nữ mà L. từng biết mặt rủ cô đi phụ giúp việc mua hàng để về kinh doanh và hứa sẽ trả công cao. L nhận lời. Sáng tinh mơ, khi mọi người trong gia đình đang ngủ, L. lặng lẽ đi theo người đàn bà nọ.
Lưu lạc
Theo chân người phụ nữ nọ, L. lên ô tô. Một chuyến đi dài. L. lờ mờ cảm thấy mình đến một nơi xa lắm. Mãi chẳng thấy phải mua hàng gì, L. hỏi thì người phụ nữ ậm ừ cho qua chuyện.
Đến khi đến một căn phòng ẩm thấp, có gần chục người trạc tuổi mình ở đó từ trước, L. hỏi lại lần nữa, người phụ nữ nói: "Chịu khó ở đây rồi mai nhận việc". Dứt lời, bà ta ra ngoài khóa trái cửa.
Đêm đến, L. và những người cùng cảnh ngộ bị một nhóm thanh niên bặm trợn bắt đi đường rừng rồi sang tay cho một người đàn bà độ 50 tuổi.
Nhận người xong, bà ta tuyên bố: "Các em qua đây để làm người phụ nữ của gia đình, muốn êm đẹp thì làm theo chỉ dẫn, ai có ý định bỏ trốn sẽ chuốc lấy hậu quả". Lúc này, L. biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc.
L. bị người lạ đưa đến một vùng heo hút (sau này cô mới biết đó là một xã miền núi của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, chị phải làm vợ của người đàn ông ngoài 40, từng có một đời vợ và có đứa con trai chưa đầy một tuổi.
Sau này, khi học được tiếng bản địa, L. mới biết chồng bị mắc bệnh nan y, nhưng cụ thể là bệnh gì thì không rõ. Vì căn bệnh này mà người vợ trước bỏ đi khi con trai chưa đầy tháng. Do vậy chị được mua về làm người thế chỗ.
Ông Nguyễn Quang Trọng, Trưởng Công an xã Quỳnh Dị cho biết: "Tháng 6/2012, chị Nguyễn Thị L. về địa phương và cùng mẹ đến công an xã trình báo. Khi về địa phương, chị L. mang theo cháu trai 4 tuổi. Trong thời gian này, cơ quan công an xã đã nắm bắt tình hình, lấy lời khai. Từ lúc về, chị L. luôn chấp hành tốt và không vi phạm pháp luật. Thời gian tới, công an xã sẽ tham mưu với chính quyền địa phương để khôi phục nhân khẩu cho chị L, đồng thời phối hợp với bên Tư pháp để làm giấy khai sinh cho con trai chị". |
Thời gian đầu làm vợ, "tôi bị nhốt suốt ngày trong căn phòng tối tăm, có người canh chừng. Đi vệ sinh, ăn uống và tắm giặt cũng có người gác", chị nhớ lại.
Gia đình nhà chồng bắt chị làm việc quần quật suốt ngày. Do bất đồng ngôn ngữ nên L. sống lặng câm suốt mấy năm trời. Bệnh tật khiến chồng của L. không thể tiếp tục có con. Anh ta mất sau 8 năm chung sống.
Chồng mất, L. tiếp tục nuôi con riêng của chồng. Gia đình chồng sợ chị bỏ trốn sẽ mang đứa cháu nối dõi đi theo nên tìm cách chia rẽ hai mẹ con. Họ định bán L. sang nhà khác.
Phát hiện điều đó, L. từ biệt đứa con riêng của chồng, tìm cách bỏ trốn, khi trong người không có một xu. Nhà chồng thấy đạt được mục đích giữ cháu đích tôn nên cũng không truy tìm.
Sau hơn chục năm sống ở xứ người, L. đã có vốn tiếng Trung kha khá nên không gặp khó khăn trong giao tiếp.
Bước đầu, chị tạm gác ý định trở về quê hương và chấp nhận cảnh nay đây mai đó. Khi thì chị làm ở nhà máy len, khi phụ giúp quán hàng, sống qua ngày.
Trong lần vào hàng ăn có biển hiệu tiếng Việt, biết chủ nhà là người Việt Nam nên L. làm quen. Chị kết thân với một người đàn ông quê Thanh Hóa sang đây làm thuê. Hai người tha phương, dễ đồng cảm nên họ đã đến với nhau.
Tưởng có nơi dựa dẫm sẽ đỡ cực khổ, nhưng từ ngày về chung sống L. mới biết bạn trai mình không tu chí làm ăn mà luôn cờ bạc, rượu chè.
Bao nhiêu tiền L. kiếm được đều bị gã "chồng hờ" tiêu phá. Có với nhau đứa con trai chưa đầy một tuổi, người đàn ông này bỏ đi.
Ôm con lang bạt khắp nơi, L. đành nhận việc rửa chân cho người giàu.
Nước mắt ngày về
Sau 18 năm nơi đất khách quê người và dành dụm được ít tiền, L. tìm đường về nước. Được một số người tốt bụng giúp đỡ, mẹ con L. lên xe và về đến Việt Nam an toàn.
Mẹ con chị Nguyễn Thị L.
Về đến quê, L. được một người quen nhận ra và chở về tận nhà. Gặp lại con, bố mẹ L. đã khóc ngất. Sau khi L. đi, hoàn cảnh gia đình lại càng khó khăn hơn. Gần đây, nhờ chính sách xoá nhà tranh, gia đình L. được xây ngôi nhà mới, lợp ngói.
Bà Nguyễn Thị V. (mẹ L.) cho biết: "Con về đã mấy tháng nay nhưng đến giờ tôi vẫn ngỡ là mơ. Nhiều đêm nằm, nghe L. tâm sự về những tháng ngày đằng đẵng nơi đất khách, tôi chỉ biết khóc theo con".
Được người quen giới thiệu nên L. đã thành phiên dịch tiếng Trung ở xưởng cá xã Quỳnh Lập cách nhà 3km. Sở dĩ L. có được công việc này vì thương lái người Trung Quốc thường sang đây mua cá.
Con trai chị L., cháu Nguyễn Q.Đ. giờ đã 4 tuổi, học lớp mẫu giáo trường Mầm non xã và thích ứng nhanh với môi trường sống mới. Ngoài việc phiên dịch, L. còn nhận nấu ăn cho công nhân tại xưởng. Sáng đi sớm, tối về muộn, việc chăm sóc cháu Đ. phải nhờ bà ngoại.
"Một lần trót dại nghe lời kẻ xấu tôi đã phải trả giá quá đắt, may còn có cơ hội trở về. Giờ công việc vất vả, nhiều lúc căn bệnh dạ dày tái phát ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhưng được sống trong tình yêu thương của bố mẹ và có con trai tôi thấy rất ấm áp" - chị L. nói.