Chào đời vừa được 2 ngày tuổi, em đã bị mẹ đẻ bỏ rơi, rồi may mắn được một gia đình nghèo nhận về nuôi. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mẹ nuôi em qua đời sớm, còn bố nuôi thì mang bạo bệnh. 7 tuổi, cô bé phải trở thành trụ cột gia đình.
Đến thôn 7 Cao Hào, xã Chân Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam) hỏi thăm nhà anh Phạm Văn Lượng (SN 1970), không mấy ai không biết. Chẳng bởi sự nổi tiếng về danh vọng hay tài sản “khủng” nào, mà ngược lại, bởi gia cảnh anh quá đáng thương. Nhà nghèo, vợ mới mất, trong người anh lại mang bạo bệnh… Cô con gái nhỏ mới 7 tuổi do vợ chồng anh “nhặt” về nuôi đã sớm phải trở thành trụ cột gia đình.
Ngôi nhà nhỏ của bố con anh Lượng nằm ẩn mình sau lũy tre bên ngoài bờ đê, giáp với con sông Hồng đang trôi chảy phía sau lưng nhà. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ, thấp, bên trong chẳng có tài sản gì quý giá. Trong cái nắng đổ lửa của mùa hè, không khí bên trong ngôi nhà khá ngột ngạt.
Giữa nhà kê một chiếc bàn uống nước, góc nhà là chiếc ban thờ nhỏ nghi ngút hương khói của vợ anh Lượng là chị Trần Thị Vũ (SN 1969). Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông đã 50 tuổi, trông bề ngoài có vẻ khỏe mạnh, nhưng thực chất, anh Lượng giờ chẳng thể tự đứng được trên đôi chân của mình, còn đôi tay lúc nào cũng run lên bần bật.
Đôi mắt trũng buồn, anh Lượng kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe. Khoảng những năm 90, anh và chị Vũ quen nhau. Chị Vũ hơn tuổi và chơi cùng những người anh em gần nhà anh Lượng. Thế rồi, sau đó mối tình chị em bén duyên. Đám cưới nhỏ diễn ra, 2 người về chung sống với nhau.
Hằng ngày, anh Lượng ở nhà làm ruộng, còn chị Vũ thì ngoài những lúc đồng áng cùng chồng, chị còn có nghề tay trái là buôn trứng, gột gà, vịt cho thương lái. Do 2 gia đình đều khó khăn, nhà anh Lượng lại đông anh em nên 2 vợ chồng chẳng có lấy mảnh đất làm nhà. Họ phải sống nhờ gian bếp của nhà thờ họ. Cuộc sống tuy khốn khó nhưng có vợ có chồng nên họ vẫn nương tựa vào nhau.
Chị Vũ mắc bệnh về xương khớp, xương giòn nên đi lại rất nguy hiểm, đã không ít lần chị ngã gãy chân, gãy tay chữa mất cả tháng trời. Anh Lượng cũng mắc bệnh tiểu đường, xơ gan. Anh chị chạy chữa thuốc thang suốt, đông y, tây y đủ cả nhưng bệnh không thuyên giảm.
Hai vợ chồng ở với nhau suốt một thời gian dài nhưng không có con. Sau đó, chị Vũ phát hiện mình đã mất khả năng làm mẹ. Thương vợ, anh Lượng vẫn luôn bên cạnh an ủi và động viên.
Cuộc sống của vợ chồng anh Lượng, chị Vũ cứ thế trôi đi. Họ vui vẻ, hạnh phúc dù chẳng có con cái. Thế rồi, một đêm mùa đông lạnh lẽo tháng 12/2013, 2 vợ chồng nhận được tin có một bé gái bị bỏ rơi trên thành phố Phủ Lý (Hà Nam), họ tức tốc lên đường đến chỗ đứa bé.
Vì đã mất khả năng làm mẹ, nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của đứa bé, chị Vũ không cầm được nước mắt. Mặc dù gia cảnh khó khăn vô cùng, nhưng vì đã có cơ duyên gặp con nên anh chị làm thủ tục để nhận bé về nuôi.
Bé được đặt tên là Trần Thị Như Thắm, theo họ mẹ. Anh Lượng giải thích, lúc đó, anh bị mất hết giấy tờ tùy thân nên không thể đứng tên khai sinh cho bé. Dẫu sao, việc có một đứa con cũng trở thành niềm vui khôn xiết với vợ chồng anh Lượng, chị Vũ.
Vợ chồng anh Lượng dồn toàn lực kinh tế vào để lo cho bé Thắm. Những lúc bé khát sữa, trong nhà lại chẳng có tiền, vợ chồng anh chạy vạy đi vay hàng xóm từng đồng.
Sống nhờ gian bếp của nhà thờ họ suốt một thời gian dài, nhưng đến khi có bé Thắm, vợ chồng anh chị quyết ra ngoài vì lo sợ không gian chật hẹp, bụi bặm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con.
“Vợ chồng tôi đổi mấy mảnh đất ruộng ngoài đồng để lấy mảnh đất này xây nhà. Nhờ anh em, họ hàng cố cất lên ngôi nhà để cho cháu có chỗ ở đàng hoàng”, anh Lượng chia sẻ.
Bé Thắm cứ thế lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Hai vợ chồng anh Lượng, chị Vũ cũng chăm chỉ làm ăn hơn để lo cho con. Những tưởng cuộc đời bé Thắm đã may mắn khi được lớn lên trong vòng tay bố mẹ, thì nỗi đau liên tiếp ập đến đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của cô bé 7 tuổi.
Giữa năm 2019, chị Vũ bị chó cắn dẫn đến nhiễm trùng, huyết áp cao, sau đó lại thêm bị ngã dẫn đến tai biến. Cầm cự hết ở viện rồi lại về nhà thuốc thang, thời điểm Tết Nguyên đán 2020 chỉ 7 ngày, chị Vũ qua đời. Quá sốc trước sự ra đi của vợ, anh Lượng cũng lên cơn tai biến, cộng thêm biến chứng của bệnh tiểu đường và xơ gan khiến chân tay anh co quắp, mất khả năng vận động.
Từ đó, bé Thắm chẳng còn ai chăm sóc, vỗ về. Cô bé 7 tuổi nhỏ nhất nhà, đáng lẽ phải được hưởng sự yêu thương, đùm bọc thì nay lại phải trở thành trụ cột gia đình. Một mình em quán xuyến hết mọi việc từ quét nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… ngay cả việc tiêm cho bố, ngày 4 cữ Thắm cũng phải làm.
“Dù biết là cháu còn nhỏ không được tiêm nhưng hoàn cảnh gia đình thế này, chẳng còn cách nào khác”, anh Lượng tâm sự.
Nhìn cái cách mà bé Thắm lấy thuốc, cầm xi lanh tiêm cho bố mà những người lớn như chúng tôi cũng phải rùng mình. Thế nhưng, bé làm một cách thuần thục và rất nhanh nhẹn.
7 tuổi, đối với một đứa trẻ bình thường sẽ đang ở trong độ tuổi ngây thơ và trong sáng thì Thắm đã phải tự ý thức việc nhà, chăm sóc cho bố. Hằng ngày, ngoài việc đến trường, Thắm chẳng đi chơi đâu, lúc nào cũng quanh quẩn ở nhà trông nom bố.
Anh Lượng tâm sự: “Cháu nó chỉ mới 7 tuổi, ngày nào cũng nhớ mẹ. Có những tối, cháu trốn tôi vào góc nhà khóc một mình vì nhớ mẹ. Đêm chỉ ngủ được mấy tiếng thôi lại phải dậy. Tôi thì chân tay run không làm gì được, việc gì cũng phải phụ thuộc vào cháu. Cháu nó đã khổ rồi, rơi vào hoàn cảnh nhà tôi lại quá khổ.
Có người ngỏ ý muốn xin cháu về nuôi cho cháu có được sự đầy đủ về điều kiện vật chất. Tôi cũng suy nghĩ lắm, nhưng đôi khi sự đủ đầy chưa chắc đã tốt. Cháu nó lớn lên từ bé trong vòng tay vợ chồng tôi nên tôi coi cháu như con đẻ. Vả lại có cho thì cháu nó cũng không muốn đi”.
Nhớ lại những ngày vợ mới mất, bố thì lâm bệnh, một mình bé Thắm cứ phải lủi thủi không người bên cạnh an ủi, khóe mắt anh Lượng lại đỏ lên. Nhiều đêm, những giấc ngủ chập chờn cứ vật vờ 2 bố con. Bố thì đau khó ngủ, con thì khóc vì nhớ mẹ. Người đàn ông chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vỗ về con trẻ.
Ngôi nhà nhỏ bên ngoài đê của bố con anh Lượng vốn đã khuất, hàng xóm lại thưa thớt, mỗi tối chỉ có 2 bố con bên tấm di ảnh nghi ngút khói hương của chị Vũ, cảm giác trống vắng, không khí tang thương bao trùm.
Chúng tôi hỏi bé Thắm, con có thương bố không? Bé chỉ gật đầu, rồi mặt gục xuống, khuôn mặt buồn bã. Dường như Thắm không muốn nhắc đến chuyện buồn, cô bé cứ lặng thinh khi ai đó nhắc đến hoàn cảnh của mình.
Thắm nói: “Sau này lớn lên con sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố”. Câu nói của bé Thắm chứa đựng tình yêu thương lớn lao dành cho người bố của mình. Dù chẳng biết sau này Thắm sẽ làm gì, nhưng chắc chắn mong muốn hiện tại bé chỉ muốn bố được khỏe mạnh. Đó quả thực là suy nghĩ phi thường của một đứa trẻ 7 tuổi.
Thế nhưng, bố nuôi bé đang mang trong mình bạo bệnh, liệu có thể ở bên bé được mãi? Liệu anh Lượng có chờ đến lúc Thắm trở thành bác sĩ để chữa bệnh? Thắm rồi sẽ ra sao, hay lại tiếp tục một lần nữa mang thân phận trẻ mồ côi?. Câu trả lời ấy có lẽ chỉ thời gian mới trả lời được. Còn hiện tại, cuộc đời của bé Thắm vẫn bấp bênh như trò đùa của số phận.
Nguồn: [Link nguồn]