Thiên tai đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân trên khắp cả nước và để lại những nỗi đau, mất mát cho người ở lại.
Mưa bão vẫn là loại hình thiên tai gây nhiều thiệt hại và đau thương nhất cho người dân hằng năm. Năm 2019, có 8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta gồm: bão số 1, số 3, số 5 và số 6.
Bão số 1 xuất hiện ngay ngày đầu tiên của năm mới 2019. Nó được xem là cơn bão sót lại từ mùa bão 2018 và là cơn bão trái mùa. Bão gây mưa trái mùa ở phía Nam nước ta trong những ngày đầu tháng 1/2019.
Tối 4/1, bão đi vào vùng biển phía Nam Thái Lan và đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Nam Thái Lan, sau đó suy yếu và tan dần. Đây cũng là cơn bão đầu tiên đổ bộ nước này vào mùa khô trong vòng khoảng 30 năm trở lại đây.
Tuy không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta nhưng bão số 1 gây mưa lớn, gió mạnh kèm theo lốc xoáy tại 5 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang làm 2 người mất tích.
Hình thành từ một vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ngày 31/7. Đến tối 2/8, bão số 3 – Whipha đổ bộ vào đất liền Móng Cái (Quảng Ninh) với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Hoàn lưu bão rộng đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, lũ quét, sạt lở đất diễn ra ở nhiều nơi thuộc vùng núi.
Thiệt hại: 5 người chết (Thanh Hóa 3 người, Bắc Kạn 1 người; Điện Biên 1 người); 13 người mất tích (Thanh Hóa 12 người, Điện Biên 1 người).
Ngập, hư hỏng hơn 1.000 ngôi nhà, cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm của người dân; gây ngập lụt, sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường giao thông…
Chiều 29/10, áp thấp nhiệt đới từ ngoài khơi Thái Bình Dương di chuyển vào Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 5 - Matmo. Đến đêm 30 rạng sáng ngày 31/10, bão đổ bộ đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11. Bão gây mưa to, gió giật nhiều nơi làm thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh Nam Trung Bộ.
Thiệt hại: 1 người mất tích và ít nhất 14 người bị thương ở Quảng Ngãi; hơn 4.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, ngập nước; nhiều cây xanh bị gãy đổ, tàu thuyền hư hỏng và đặc biệt là sự cố mất điện xảy ra ở nhiều nơi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Ngay sau khi bão số 5 vừa tan thì một vùng áp thấp nhiệt đới khác đã hình thành trên Biển Đông và mạnh lên thành bão số 6 vào tối 5/11. Cơn bão này di chuyển rất dị thường, khi mới hình thành thì hướng ra phía ngoài khơi Thái Bình Dương. Sau đó, bão bất ngờ quay đầu 180 độ hướng về đất liền nước ta. Đến chiều tối 10/11, bão đã đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Thiệt hại: 2 người bị chết do tai nạn trong lúc chằng chống nhà cửa. Trong đó có 1 trường hợp ở tỉnh Phú Yên do bị điện giật, 1 trường hợp ở tỉnh Bình Định do bị trượt chân ngã.
Mưa bão gây mất điện 48/112 xã tại tỉnh Phú Yên. Tại tỉnh Bình Định, mưa bão khiến 17 ha cây ăn quả bị ngã đổ, 2 tàu cá bị hư hỏng. Tại tỉnh Khánh Hòa, 2 tàu cá đứt neo bị chìm, 10 lồng bè bị thiệt hại nặng, công trình hội trường xã Ninh Phước (TX. Ninh Hòa) bị tốc mái, gây sạt lở hơn 40m đường, 330 ha lúa, 20ha hoa màu bị thiệt hại.
Do ảnh hưởng của bão số 3 – Whipha, một đợt mưa lũ lớn đã xảy ra ở miền Trung, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa đầu tháng 8.
Sáng 3/8, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cuốn trôi 20 ngôi nhà ở bản Sa Ná cùng 17 người dân trong bản. 4 người sau đó đã được cứu và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa lũ này đã khiến 8 người chết (Mường Lát 3 người, Quan Sơn 5 người); 8 người còn mất tích (đều ở Quan Sơn).
Hơn 1.700 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập. Hàng chục công trình giáo dục, y tế, văn hóa bị thiệt hại. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng. Ngoài ra, hàng nghìn diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại... Thiệt hại ước tính lên đến gần 700 tỷ đồng.
Năm 2019, cơ quan khí tượng dự báo El Nino (pha nóng) quay lại. Điều này được thể hiện bằng nền nhiệt các tháng 1, 2, 3 của năm 2019 tại hầu khắp các khu vực Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đều cao hơn so với trung bình từ 1-3 độ C. Nắng nóng khốc liệt thực sự đã làm cuộc sống của người dân xáo trộn.
Nắng nóng cũng đến sớm khi ngay từ cuối tháng 3, khu vực Tây Bắc Bộ đã xuất hiện nắng nóng.
Đặc biệt, trong đợt nắng tháng 4, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận mức nhiệt 43,4 độ C ngày 20/4. Đây là nhiệt độ cao kỷ lục chưa từng được ghi nhận tại đây. Thông thường, nhiệt độ trung bình tại khu vực này chỉ dao động trong khoảng từ 27-32 độ C.
Nhiệt độ kỷ lục ở Hương Khê đã được trang báo của Mỹ The Washington Post đưa tin. Tờ này lấy ví dụ rằng 43,4 độ C là đủ để làm mềm bút sáp màu, làm tan chảy thanh chocolate và đẩy nhiệt độ bên trong chiếc ô tô đậu ngoài trời vượt quá 60 độ C.
Năm 2019 liên tiếp xảy ra các trận động đất ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Nam… Thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết tháng 11/2019 đã có 34 trận động đất xảy ra trên khắp cả nước.
Động đất chưa gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, những dư chấn rung lắc đã gây những thiệt hại về tài sản cho người dân, gây tâm lý hoang mang mỗi lần xảy ra dư chấn.
Điện Biên và Cao Bằng là 2 tỉnh tâm điểm của những trận động đất trong năm vừa qua. Điện Biên xảy ra 8 trận động đất (huyện Mường Nhé 4 trận, huyện Điện Biên Đông 4 trận); còn tại Cao Bằng chỉ trong 3 ngày từ 25-28/11 đã xảy ra 5 trận động đất. Trong đó, riêng sáng 25/11 đã xảy ra 3 trận tại huyện Trùng Khánh với một trận mạnh 5,4 độ richter.
Các chuyên gia lý giải rằng, các trận động đất xảy ra hoàn toàn đúng quy luật bởi những khu vực xảy ra động đất đều nằm trên các đới đứt gãy đã được dự báo từ trước. Sau khi các đới đứt gãy tích lũy đủ năng lượng sẽ giải phóng ra bên ngoài gây động đất. Mỗi một trận động đất lớn có thể kéo theo hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dư chấn nhỏ sau đó.