Năm 2018, Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT&TKCN, tính đến ngày 20/12/2018, có 9 cơn bão; 212 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng…
Thiên tai làm 218 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng.
Năm 2018, có 9 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền là bão số 4, 8, 9.
Nếu như trước đây, bão chủ yếu ảnh hưởng đến miền Bắc và miền Trung thì những năm gần đây, bão dịch chuyển xuống phía nam, ảnh hưởng đến khu vực phía Nam nhiều hơn. Trong 3 cơn bão ảnh hưởng đất liền năm 2018 thì có đến 2 cơn đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ đến Nam Bộ.
Bão số 4 là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Cơn bão này hình thành từ một áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 13/8 mạnh cấp 8, gió giật cấp 10.
Bão di chuyển chậm. Đến ngày 17/8, đổ bộ vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An và suy yếu nhanh chóng.
Tuy không hoành hành đất liền nhưng hoàn lưu sau bão khiến mưa lớn xảy ra, gây một đợt lũ lớn và sạt lở đất cho các tỉnh từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tối 17/11, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 8. Sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, bão đã suy yếu.
Tuy nhiên, hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn cho các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng. Cùng thời gian này, một đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về kết hợp khiến các tỉnh trên mưa càng thêm lớn, ngập lụt, sạt lở đất diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Cơn bão số 8 vừa qua, bão số 9 đã ngay lập tức hình thành và hướng đi vẫn nhắm vào vùng vừa bị mưa lũ sau bão số 8 hoành hành.
Bão số 9 – Usagi hình thành từ một áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ chiều 22/11. Đây là cơn bão mạnh nhất năm 2018 với sức gió giật cấp 13 khi di chuyển trên biển.
Trưa 25/11, bão đổ bộ khu vực từ Bình Thuận đến Bến Tre gây thiệt hại nặng cho các tỉnh này. Hoàn lưu sau bão rất rộng gây mưa lớn cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Từ ngày 21/7, Hà Nội đã có mưa rất to. Nước sông Bùi đoạn chảy qua địa phận huyện Chương Mỹ dâng cao gây ngập lụt nặng nề cho một số xã.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội lý giải, do mưa lớn khiến nước ở mạn Tây Bắc đổ dồn về phía sông Bùi. Nước Sông Bùi chảy về sông Đáy rồi chảy ra cuối sông Hồng tuy nhiên, do các sông phía dưới như sông Hoàng Long nước tiêu chậm nên ảnh hưởng đến việc tiêu nước của vùng ngoại thành Hà Nội.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng cho hay, sở dĩ, 2 năm nay, mạn Chương Mỹ liên tiếp bị ngập lụt là do thời tiết có mưa lớn bất thường. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về lớn khiến tình trạng ngập lụt nặng xảy ra.
Trước đó, tháng 10/2017, đê sông Bùi bị vỡ sau đợt mưa lớn cũng khiến xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) ngập sâu kéo dài cả tháng. Năm 2008, đê này cũng từng vỡ hai điểm, nước tràn vào khu dân cư 45 ngày sau mới rút.
Cứ đến mùa mưa lũ hằng năm, khu vực Tây Bắc lại chịu cảnh tang thương bao trùm do những cơn lũ quét, sạt lở đất diễn ra bất ngờ.
Trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề nhất cho Tây Bắc năm 2018 diễn ra từ ngày 23-26/6. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp Tây Bắc - Đông Nam kết hợp với xoáy thấp hoạt động mạnh đã gây mưa lớn trên diện rộng cho các tỉnh ở Bắc Bộ. Lũ, lũ quét, sạt lở đất diễn ra ở nhiều nơi.
Sáng 24/6, một trận sạt lở núi nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Một lượng lớn đất đá từ một quả núi đã ập xuống và vùi lấp một trang trại nuôi cá tầm, cá hồi rộng khoảng 30ha ở dưới hạ lưu. Đất đá cũng vùi lấp ông Dương Ngọc Hưng (SN 1960, chủ trang trại). Ước tính thiệt hại của trang trại cá hồi khoảng 30 tỷ đồng.
Từ ngày 7-11/10, một đợt triều cường có đỉnh cao bất thường đã xảy ra ở Bạc Liêu. Cao trình đỉnh triều cường thực đo vào các ngày 7-11/10 tại khu vực cửa sông Gành Hào là 2,35m - vượt mức báo động III (mức báo động III là +2m).
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Bạc Liêu cho hay, đây là đỉnh triều cao lịch sử trong vòng 40 năm gần đây ở tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, lịch sử cũ vào tháng 12/2017 có cao trình đỉnh là +2,30m.
Triều cường đã gây ngập nhiều tuyến đường trong nội ô, đường nông thôn của tỉnh Bạc Liêu, với chiều dài trên 40km, độ sâu có nơi trên 0,4m; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông, đời sống của người dân.
Do ảnh hưởng bão số 9, ngày 25/11, TP HCM đã có mưa cực lớn. Theo cơ quan khí tượng Nam Bộ, trận mưa này chưa từng có ở TP.HCM về thời gian và lưu lượng nước.
Các trạm đo đều ghi nhận nước ở mức cao, quận 1 là 301 mm, huyện Nhà Bè là 345 mm, huyện Cần Giờ là 293 mm, và cao nhất ở quận Tân Bình là 407,6 mm.
Trận mưa đã gây ra khoảng 60 điểm ngập trên địa bàn TP.
Từ ngày 8-11/12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động gió đông, miền Trung có mưa to. Bốn địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, mưa rất to, nhiều nơi trên 800 mm, gây ngập lụt diện rộng. Mức độ ngập từ 0,3 đến 2 mét.
Từ 8-10/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Đà Nẵng đã có mưa rất to trong nhiều giờ đồng hồ. Đợt mưa được người dân Đà Nẵng đánh giá là “chưa từng thấy trong lịch sử” đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu.
Có những chỗ ngập hàng mét khiến giao thông ngưng trệ, nhà cửa ngập… ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống của người dân.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2018, miền Bắc và ven biển Trung Bộ trải qua một đợt nắng nóng khốc liệt, nhiệt độ ban ngày ở ngưỡng trên 40 độ C, ban đêm có nơi vẫn trên 30 độ C.
Nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, kéo theo nhiều hệ lụy như bệnh tật, thiếu nước, thiếu điện…
Nguyên nhân của đợt nắng nóng là do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn.
Đỉnh điểm của đợt nắng nóng là đoạn đường 12B chạy qua thôn Ngải Dương, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã bị chảy nhựa. Có trường hợp xe máy lưu thông bị nhựa đường cuốn vào bánh xe, không di chuyển được.