Thị xã có 200 người lấy chồng ngoại trái phép
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng cò mồi đã dụ dỗ hơn 200 cô gái ở thị xã ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp.
Chuyện phụ nữ ĐBSCL nói chung, thị xã Vĩnh Châu nói riêng, đi lấy chồng nước ngoài đã có tiền lệ từ nhiều năm qua. Hầu hết, họ đều nghĩ đến một tương lai sung sướng nơi xứ người. Điều này dường như đã “ăn sâu vào tâm trí” người dân nơi đây. Nhưng viễn cảnh trong mơ ấy cũng khiến bao phụ nữ ở đây nếm phải trái đắng nơi đất khách quê người…
Thượng tá Võ Tấn Phong, Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 201 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó có 154 trường hợp lấy chồng Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có 5 trường hợp đến Sở Tư pháp đăng ký theo đúng thủ tục pháp luật, còn lại là bất hợp pháp.
“Hiện đã có 10 trường hợp quay về địa phương sinh sống do không chịu được cảnh đày đọa, đánh đập, lao động khổ cực ở nước ngoài. Đa số trường hợp lấy chồng nước ngoài có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Lợi dụng điều này, bọn cò mồi đã tiếp cận, hứa hẹn sau khi lấy chồng nước ngoài sẽ cho mỗi gia đình từ 80 - 100 triệu đồng lấy vốn làm ăn. Nhưng trên thực tế, sau khi đã kết hôn, nhiều gia đình chỉ nhận được từ 5 - 20 triệu đồng. Thậm chí có gia đình không nhận được đồng nào”, thượng tá Phong thông tin.
Lực lượng công an ngăn chặn kịp thời một vụ môi giới lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp
Như trường hợp của chị Châu Thị Ch. (phường 2, TX Vĩnh Châu) là một ví dụ. Sau khi sang Trung Quốc, chị Ch. bị bọn cò mồi bán về “làm vợ” một người đàn ông già ở sâu trong núi. “Ở bên đó sống cực khổ trăm bề. Vợ chồng gì mà chồng giữ hết tiền. Suốt ngày nhốt vợ trong nhà. Sống một ngày bên Trung Quốc dài như một năm ở quê mình”, chị Ch. nhớ lại.
Chị Ch. là một trong số ít những cô gái may mắn được gia đình gửi tiền sang chuộc, sau khi lấy chồng ở nước ngoài. Về đến quê (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) Ch. vẫn chưa thể nào quên ký ức kinh hoàng từng đêm nằm vò võ ôm gối khóc ở xứ người.
Chị Ch. cũng như bao người con gái Vĩnh Châu lấy chồng sang Trung Quốc qua đường dây mai mối ở TP Hồ Chí Minh, làm quen trong mấy ngày ngắn ngủi. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu nhanh chóng được tổ chức. Mọi giấy tờ thủ tục được làm rất mau lẹ, chỉ cần người phụ nữ đồng ý.
Hầu hết các cò mai mối đều vẽ ra viễn cảnh cuộc sống xa hoa khi lấy chồng ngoại. Nào là những ông chủ đồn điền, nào là giám đốc quản lý nhà hàng, chủ tiệm cơ khí… ở thành phố lớn. Tất cả các thủ tục phải làm nhanh, làm gấp, nếu không cơ hội sẽ giành cho các cô gái khác. Cứ thế, hơn 200 cô gái Vĩnh Châu đã nhắm mắt đưa chân đi lấy chồng nước ngoài, đánh cược đời mình trôi nổi theo vòng quay của bọn lừa đảo. Chị Ch. còn cho biết, đa số phụ nữ lấy chồng bên đó sống rất cơ cực và tủi nhục. Gặp chị em nào cũng than phiền muốn về nước cho sớm.
Nhưng để quay về nước không hề đơn giản. Ngay cả 10 trường hợp quay về được là do gia đình gửi tiền sang để chuộc. Sau khi được gia đình vay tiền gửi sang chuộc về, Trịnh Thị Mỹ Kh. (ngụ xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) đúc kết: “Thực ra, người Trung Quốc mà giàu có thì không bao giờ sang nước mình cưới vợ. Hầu hết những người đàn ông tìm vợ bên mình là những người nông dân nghèo khó, mượn tiền đi kiếm vợ. Bởi chi phí lấy vợ bên đó cao gấp nhiều lần lấy vợ Việt Nam”…
Theo thượng tá Phong, mặc dù thời gian qua, công an các địa phương đã triển khai các hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp; có chiều hướng gia tăng, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt. Nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia… Trong đó, nổi lên một số thủ đoạn, như đối tượng tiếp cận, làm quen với các cô gái mới lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn… để dụ dỗ, lôi kéo đến làm việc tại những cơ sở kinh doanh nhạy cảm (nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc gội đầu…), tìm việc nhẹ nhàng ở nước ngoài, sau đó bán họ vào các động mại dâm hoặc bán sang nước ngoài làm vợ bất hợp pháp. Một số đối tượng mua bán người lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý về môi giới hôn nhân, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch, thăm thân nhân, xuất khẩu lao động… để lừa nạn nhân ra nước ngoài để bán.
Được biết, Công an tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc điều tra, làm rõ các đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp có xu hướng “nở rộ” trong thời gian gần đây trên địa bàn.