Thi tuyển để khắc phục "chạy" chức

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói thi tuyển công chức công khai sẽ góp phần dẹp nạn “chạy” chức. Quảng Ninh vừa tổ chức thi tuyển cạnh tranh hai vị trí lãnh đạo cấp sở của tỉnh với tư duy khá “mở”, còn các địa phương khác thì sao?

“Lịch sử cho thấy nước ta không phải không có hiền tài mà cái chính là chúng ta có tìm được, có phát hiện được và dám dùng người có tài năng không”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói như vậy trong cuộc trao đổi với PV.

Thi tuyển để khắc phục "chạy" chức - 1

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển công chức của UBND TP.HCM tháng 10/2012

* Trong việc thi tuyển hai lãnh đạo cấp sở ở Quảng Ninh vừa qua, ngoài các tiêu chí chung theo các quy định pháp luật hiện hành, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ người “chưa đảng viên, bằng đại học tại chức, người không có hộ khẩu ở địa phương đều được dự tuyển”. Như vậy đây là tư duy rất “mở”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Việc lựa chọn, tìm kiếm và tiến cử những người có thực tài đảm đương gánh vác việc nước, phục vụ nhân dân không chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội, mà cần phải mở ra ở các cơ quan, tổ chức khác, kể cả khu vực doanh nghiệp và nguồn nhân lực xã hội. Lịch sử cho thấy nước ta không phải không có hiền tài mà cái chính là chúng ta có tìm được, có phát hiện được và dám dùng người có tài năng không. Mặt khác, pháp luật hiện nay không có điều khoản nào quy định người có bằng đại học tại chức, người không có hộ khẩu ở địa phương không được đăng ký dự tuyển vào công chức, kể cả công chức lãnh đạo, quản lý. Bây giờ đánh giá cán bộ, công chức chúng ta phải lấy kết quả, hiệu quả công việc và sản phẩm làm “thước đo” chính. Để đạt được kết quả công việc thì yếu tố năng lực là quyết định.

Vấn đề “hộ khẩu” cũng vậy, ngoài việc tìm kiếm người có tài trong tỉnh, nếu thu hút và sử dụng được người có tài ở ngoài tỉnh về làm việc thì đó cũng là cái giỏi của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tỉnh Quảng Ninh không phân biệt văn bằng tại chức hoặc vẫn cho người chưa có hộ khẩu ở địa phương được tham dự tuyển công chức, không phải là tư duy “mở” mà đó chính là tư duy “nghiêm túc” - đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức.

Thi tuyển để khắc phục "chạy" chức - 2

Ông Trần Anh Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Thưa ông, vì sao cùng chung một khuôn khổ pháp luật trên cả nước mà Quảng Ninh lại trở thành tỉnh đầu tiên thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo cấp sở, trong khi một số tỉnh, thành khác hiện nay mới dừng lại ở mức nghiên cứu triển khai hình thức thi tuyển này?

- Việc tổ chức thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo cấp sở hiện nay chưa được pháp luật quy định. Đây là một chủ trương của Đảng để đổi mới công tác cán bộ nhưng khi làm thì chỉ làm thí điểm, cần thận trọng và giữ vững nguyên tắc. Đây là một vấn đề mới, cần phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó mới trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định để thực hiện thống nhất trong cả nước. Một số địa phương như Long An, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng đã thí điểm thực hiện từ vài năm trước đối với một số chức danh lãnh đạo trưởng phòng - phó trưởng phòng sở và lãnh đạo một số đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua việc thực hiện ở một số địa phương cho thấy việc tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở, cấp phòng cần chú ý phải bảo đảm không vi phạm các nguyên tắc cơ bản cũng như các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Tôi cho rằng việc tổ chức thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng chỉ có thể là một khâu trong quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo mà không thể thay thế toàn bộ quy trình bổ nhiệm được.

* Có dư luận cho rằng trong thi tuyển thì suy cho cùng cũng do con người quyết định, vậy làm sao để hạn chế, loại trừ những tiêu cực có thể phát sinh trong thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo cấp sở?


- Để hạn chế, loại trừ những tiêu cực có thể phát sinh trong thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo cấp sở cần phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan trong quá trình tổ chức thi tuyển; xác định rõ các tiêu chí để đánh giá về các nội dung thi mà người dự tuyển trình bày; những người tham gia hội đồng chấm thi phải thật sự đề cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, trung thực, công bằng và phải chịu trách nhiệm về các đánh giá của mình, đặc biệt là không bị tác động, chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Cuối cùng là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu về công tác cán bộ, người đó phải được quyền quyết và chịu trách nhiệm về cán bộ được bổ nhiệm.

* Thưa ông, đâu là những ưu điểm của việc thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo cấp sở so với cách làm lâu nay?

- Việc thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp phòng so với cách làm lâu nay sẽ là một khâu đổi mới trong công tác cán bộ của Đảng. Chúng tôi thấy ưu điểm của việc thi tuyển là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng trong việc bổ nhiệm cán bộ, đồng thời phát hiện và lựa chọn được những người giỏi, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng được chức trách, nhiệm vụ được giao; là giải pháp để khắc phục những vấn đề mà dư luận vẫn nói về việc “chạy” chức, “chạy” quyền, có tiêu cực trong công tác cán bộ. Qua đó, giữ vững được lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước và trực tiếp nâng cao được chất lượng của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.

TP.HCM, Đà Nẵng khẳng định không có “chạy” công chức

Thi tuyển để khắc phục "chạy" chức - 3

Ông Lê Hoài Trung - Ảnh: V.S

* Ông Lê Hoài Trung - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM- cho biết đến nay Sở Nội vụ và các cơ quan chức năng của TP.HCM chưa từng phát hiện trường hợp “chạy” công chức nào. Theo ông Trung, với cơ chế thi tuyển công chức hiện nay của TP.HCM, việc “chạy” công chức là không thể xảy ra. Ông nói:

- Tôi bảo đảm điều này. Biên chế công chức, TP.HCM đã giao khoán cho từng quận, huyện, sở, ngành. Trong số biên chế đã giao có thể có các nhân viên hợp đồng và những người hợp đồng này chính là những người đi thi công chức. Như vậy không có chuyện thi tràn lan mà để được đi thi đã phải có quá trình công tác rồi. Và trưởng cơ quan nơi người được cử đi thi công tác phải chịu trách nhiệm về việc cử người của mình đi thi. Thứ hai, quá trình tổ chức thi tuyển hết sức chặt chẽ và độc lập giữa tiểu ban của hội đồng thi. Đề thi do chủ tịch UBND TP.HCM chọn lựa, niêm phong. Quá trình chấm thi cũng diễn ra chặt chẽ, có rọc phách, chấm chéo, phúc khảo... trình hội đồng chấm thi giống như thi đại học. Rớt một môn cũng không đậu.

Sở Nội vụ chỉ lo khâu tổ chức kỳ thi, hoàn toàn không can thiệp vào chuyện ra đề, chấm thi... Do đó chuyện tiêu cực, “chạy” công chức ở TP.HCM là chắc chắn không có. Vừa rồi TP.HCM đã tổ chức thi tuyển công chức, có hơn 2.000 người tham gia, quá trình ôn thi và thi diễn ra trong mấy tháng, rất công phu và chặt chẽ, không chạy chọt gì ở đây được. Sắp tới, khi thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng sẽ chặt chẽ và minh bạch như thi tuyển công chức. Ai có ý tưởng manh nha tiêu cực là loại ngay từ vòng ngoài.

Thi tuyển để khắc phục "chạy" chức - 4

Ông Đặng Công Ngữ - Ảnh: Đ.N

* Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc TP quản lý. Thế nhưng Quảng Ninh mới là địa phương đột phá trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, ngành. Vì sao như vậy? Ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng- nói:

- Có nhiều lý do để Đà Nẵng chưa tổ chức thi mà lý do đầu tiên là chức danh đó hiện có khuyết (thiếu) hay không mới tổ chức thi tuyển. Hơn nữa Đà Nẵng vừa hoàn tất sau năm năm làm thí điểm về thi tuyển và tháng 8/2012 mới ban hành quy định 6221. Khi có quy định này rồi thì các đơn vị mới mạnh dạn làm. Chứ lâu nay làm theo kiểu dè dặt, nay có rồi thì họ sẽ cân nhắc làm. Theo tôi thì chuyện này không lâu nữa đâu. Tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào vị trí chức danh. Nếu khuyết thì làm ngay thôi, còn cán bộ đang đương chức thì phải chờ.

* Ông nhìn nhận việc “chạy” công chức ở Đà Nẵng như thế nào?

-  Tôi cam đoan rằng việc “chạy” công chức ở Đà Nẵng là 100% không hề có. Vì lâu nay Đà Nẵng thực hiện chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, nghĩa là TP đi tìm họ chứ đâu phải họ đi tìm TP mà sinh ra chạy chọt. Nói tóm lại Đà Nẵng đang cần những người làm được việc, nên đâu cần chạy chọt gì.

VIỄN SỰ - ĐĂNG NAM


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Văn Thành (Tuổi Trẻ)
Chạy công chức 100 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN