Thi THPT Quốc gia: "Đề Vật lý hay và mới lạ"
“Các câu hỏi trong đề thi Vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia làm cho vấn đề cơ bản trở nên mới lạ. Học sinh học thuộc công thức, học “vẹt” khó lòng làm được”, tiến sĩ Dương Văn Cẩn đánh giá.
Tiến sĩ Dương Văn Cẩn, giáo viên môn Vật lý, trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đánh giá đề thi môn Lý năm nay hay. Đề thi có 30 câu hỏi đầu khá dễ, 20 câu hỏi khó. Việc phân loại câu hỏi như vậy giúp thí sinh chủ động thời gian.
Các câu hỏi trong đề thi làm cho vấn đề cơ bản trở nên mới lạ. Học sinh học thuộc công thức, học “vẹt” khó lòng làm được. Đặc biệt, kiến thức trong đề thi đều bao trùm chương trình lớp 12. Đề thi có cả phần câu hỏi lý thuyết lẫn thực hành.
“Tôi thấy đề thi có sự phân hóa khá tốt, đảm bảo cho thí sinh đỗ được tốt nghiệp và vẫn phân loại được thí sinh khá giỏi. Những thí sinh làm tốt câu mang tính chất phân loại sẽ đạt được điểm cao”, tiến sĩ Cẩn nói.
Theo tiến sĩ Cẩn, trong đề thi có khoảng 6 câu hỏi về phần điện tương đối khó. Tuy nhiên, nếu học sinh biết cách giải sẽ tìm ra đáp án rất nhanh.
Đơn cử như ở câu hỏi số 43, mã đề 935, về nội dung điện, chỉ cần học sinh dùng định lý VIET là có thể dễ dàng giải ra. Thêm nữa, trong đề cũng có câu hỏi số 38, mã đề 935, liên quan đến phần chuyển động nhanh dần đều. Đây là câu hỏi nằm trong chương trình học lớp 10. Tuy nhiên, ở câu hỏi này, chỉ cần đọc kỹ đề bài là có thể dễ dàng tìm ra đáp án đúng.
Trong khi đó, thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội phân tích, 40% đề thi là câu hỏi lý thuyết, 60% là bài toán. Phần dao động có 10 câu. Phần sóng cơ có 7 câu, Phần dòng điện xoay chiều gồm 12 câu. Phần dao động và sóng điện từ có 4 câu. Phần sóng ánh sáng có 6 câu. Phần lượng tử ánh sáng có 5 câu. Phần hạt nhân có 6 câu.
Theo thầy Đạt, 60% các câu hỏi và bài toán rất dễ, chỉ cần áp dụng một phương trình vật lý và chỉ cần qua một vài phép biến đổi toán học đơn giản là có thể tìm ra đáp số. Học sinh trung bình có thể dễ dàng được 5-6 điểm.
Thầy Đạt cho biết, trong khi 60% các câu hỏi ở mức độ cực kỳ cơ bản thì 40% các câu hỏi còn lại đòi hỏi tư duy khác hẳn. Học sinh phải sử dụng ít nhất 2 phương trình vật lý và các phép biến đổi toán học phức tạp để tìm ra đáp số. Có khoảng 10% số câu hỏi là thách thức thực sự với học sinh, có những câu hỏi học sinh sẽ khó khăn ngay từ đầu vì không biết áp dụng quy luật vật lý nào cho hiện tượng đang được đề cập. Các câu hỏi khó xuất hiện ở tất cả các chương của chương trình lớp 12 và tập trung nhiều vào chương dòng diện xoay chiều. Với 40% các câu hỏi thuộc phần nâng cao này học sinh khó lấy được điểm 9-10.
“Đề thi có 4 câu đòi hỏi phải đọc được đồ thị. Điều này là cần thiết vì đặc trưng của vật lý là môn khoa học thực nghiệm, cho dù đó là ‘thực nghiệm trên giấy”, thầy Đạt nói.
Thầy Đạt đánh giá: So với đề minh họa, các câu cơ bản dễ hơn, các câu nâng cao có độ khó tương đương. Các câu chuyển tiếp từ cực dễ đến khó chỉ có vài câu. Đề như vậy là hợp lý cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.