Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý

Sáng 3.7, các thí sinh đã tham gia môn thi Địa lý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Môn thi này diễn ra trong 180 phút dưới hình thức tự luận.

Tại Hà Nội

Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý - 1

Khoảng 9h45 nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, trả lời phóng viên, PGS.TS.Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên cho biết, số lương thí sinh môn Địa lý hôm nay giảm hơn nhiều so với các môn Toán, Ngữ Văn và Vật lý. Hôm nay chỉ có hơn 5000 thí sinh dự thi môn Địa lý trong khi đó 2 hôm trước hơn 12 nghìn thí sinh dự thi môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Ghi nhận tại các hội đồng thi Đại học Bách Khoa, nhiều thí sinh thở phào vì đề môn Địa tương đối dễ.

Thí sinh Phan Diệu Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) nhận xét đề thi sát với chương trình, sách giáo khoa.  Câu hỏi số 1 và 2 tương đối dễ, khó nhất là câu hỏi số 4.

“Em ôn tập tương đối đầy đủ, và được mang Atlat vào cũng là một thuận lợi cho thí sinh. Em làm được hơn 60% đề thi, chắc chắn sẽ được trên điểm trung bình. Tuy nhiên, em cũng định nộp đơn đăng ký xét tuyển đại học vào các ngành khối C nên sẽ phải cố gắng hơn trong môn Lịch sử sáng mai”, Linh cho hay.

Thí sinh Nguyễn Thị Ái Liên (Tây Hồ) thì cho rằng, đề khá dễ nên em hoàn thành trước thời gian quy định 5 phút. “ Khó nhất là câu 4, dễ nhất câu 3, đề sát lúc ôn tập, em làm được 80%” – Liên hào hứng.

Học theo khối D nên môn Địa lí với Nguyễn Thị Duyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là điều kiện để xét tốt nghiệp. Duyên cho biết, em ít chú trọng đến môn nay nhưng thi vẫn được khoảng 6 điểm.

Em nói: “Em làm hết bài thi chỉ trong vòng 2 giờ dù không tập trung ôn luyện cho môn học này. Em thấy nội dung đề thi bám sát vào nội dung chương trình sách giáo khoa và không có câu nào mang tính chất đánh đố thí sinh. Đề có câu hỏi mở về thực trạng xâm nhập mặn cũng khiến em thấy thú vị khi được viết theo hiểu biết của mình”.

Ghi nhận của PV tại cụm thi số 3 do Trường Đại học Thủy Lợi chủ trì, vào khoảng 9h45 nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Theo số liệu của Đại học Thủy Lợi, sáng 3.7 có tổng 4.836 thí sinh đến thi trên tổng 4.898 thí sinh đăng ký, trong đó, có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do đem tài liệu vào phòng thi.

Chia sẻ về đề thi Địa lý, thí sinh Lưu Khánh Linh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Đề thi năm nay rất sát với chương trình sách giáo khoa. Em đã lưu ý ôn tập phần biển đảo và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. May mắn cho em trong đề thi có phần hỏi về xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông. Em cảm thấy hài lòng về bài thi của mình”.

Thí sinh Nguyễn Đức Trung, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Đề thi Địa lý vừa tầm và có tính phân loại cao. Em thấy câu khó nhất là câu hỏi về rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phần vẽ biểu đồ lại dễ hơn đề thi năm ngoái. Em dự đoán mình có thể được 7 điểm.

Tại TPHCM

Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý - 2

Đặc biệt, ở câu 2 trong phần IV, vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhắc tới trong đề thi Địa lý năm nay

Ghi nhận tại điểm thi ĐH Sư phạm TP.HCM, nhiều thí sinh đã ra khỏi điểm thi chỉ sau 2/3 thời gian. Đánh giá chung về đề thi Địa lý năm nay, nhiều thí sinh cho rằng, đề không còn “dễ ăn” như năm trước, các câu hỏi cũng mang nặng lý thuyết hơn.

Đặc biệt, ở câu 2 trong phần IV, vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhắc tới. Theo đó, câu hỏi này yêu cầu thí sinh chứng minh Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp. Từ đó giải thích tại sao tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra hết sức nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh Minh Anh (THPT Nguyễn Du) cho biết: “Đề năm nay có 4 câu và nặng lý thuyết hơn so với đề thi năm trước. Em và các bạn cùng trường có nói với nhau ôn kỹ vấn đề biển Đông và xâm nhập mặn nhưng vẫn thiên về xâm nhập mặn hơn. Giờ đề ra đúng câu xâm nhập mặn luôn! Em không gặp khó khăn gì ở câu hỏi đó”.

Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý - 3

Nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi Địa lý và ra khỏi điểm thi sớm.

Thí sinh Trần Thị Thanh Nhàn cũng là một trong những thí sinh ra khỏi khu vực thi từ rất sớm, khẳng định: “Đề này rất sát với những nội dung đã học. Em nghĩ các bạn chỉ cần ôn bài kỹ là có thể đạt điểm cao. Năm nay không có câu nào hỏi về biển đảo cả nhưng có nhắc tới sự kiện thời sự là xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhàn cho biết, em hoàn thành bài thi chỉ trong một nửa thời gian và tự tin đạt trên 8 điểm.

Tại Nghệ An:

Sau 120 phút làm bài, tại cụm thi Trường Đại học Vinh, Nghệ An nhiều thí sinh đã hoàn thành tốt bài thi môn Địa lý của mình. Đại đa số thí sinh đều cho rằng, đề thi năm nay đúng tính thời sự nên tâm lý làm bài tốt.

Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý - 4

Thí sinh phấn khởi khi đề thi môn Địa lý mang tính thời sự cao.

Bước ra khỏi phòng thi đầu tiên, thí sinh Bùi Thị Tâm, huyện Diễn Châu phấn khởi cho biết: “Đề thi năm nay, em làm tốt vì mang tính thời sự cao. Hơn nữa cũng “trúng tủ”, em thấy các bạn làm bài không kêu than khi rời phòng ai cũng vui vẻ cả với đề thi này, em tự tự sẽ được điểm 8”.

Cũng chung ý kiến trên, thí sinh Nguyễn Thị Cảnh, thi tại trường Phan Bội Châu khẳng định: “Đề năm nay vừa sức, vấn đề xâm nhập mặn và hạn hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính thời sự cao”.

Sáng nay, 3/7 tại cụm thi ĐH Vinh, môn Địa lý có 77 thí sinh vắng mặt.

Tại Đà Nẵng

Sáng ngày 3.7, sau khi kết thúc môn thi Địa lý, nhiều thí sinh được hỏi đều cho biết, đề năm nay “dễ thở”.

Thí sinh Võ Văn Nhựt, học sinh THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) cho biết, “Đề Địa lý năm nay dễ hơn em nghĩ. Em chỉ thi môn Địa lý để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT, những môn em tập trung là các môn thi khối A để xét tuyển đại học, nhưng em vẫn hoàn thành được bài thi môn Địa lý khá nhẹ nhàng. Đề có câu vận dụng Atlat đã có được 2 điểm, các câu căn bản cũng thêm được 3-4 điểm nữa. Chỉ có câu IV cuối cùng là hơi khó”.

Thí sinh “trúng tủ” với “xâm nhập mặn” trong đề thi Địa lý - 5

Thí sinh Đà Nẵng vui vẻ ra về sau thi môn Địa lý

Thí sinh Thuý Vi, tại điểm thi Trần Phú cũng nhận định: "Nếu học bài kỹ trong phần nội dung chương trình học 12 cũng có thể làm bài được 6-7 điểm. Em mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ là đã làm xong bài thi môn này".

Ghi nhận tại các điểm trường thi, nhiều thí sinh Đà Nẵng hoàn thành bài thi sớm trước khi hết giờ làm bài.

Báo cáo nhanh của Đại học Đà Nẵng cho biết, trong buổi sáng thi môn Địa lý, có 157/3.608 thí sinh vắng thi.

Tra cứu GỢI Ý GIẢI CÁC MÔN THI THPT QUỐC GIA 2016 nhanh nhất tạihttp://diemthi.24h.com.vn/

Nhắn tin để nhận Gợi ý giải đề thi Quốc Gia môn Địa năm 2016 sau khi kết thúc giờ thi,

Ví dụ: Bạn vừa thi xong môn Địa, soạn tin:
DA DIA gửi 6722
(Để xem chi tiết bấm đây)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN