Thí sinh 60 tuổi “dùi mài kinh sử” để trở thành nhà báo
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, thí sinh Lê Tuấn Anh (thi tại Cụm thi Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) được xem là một thí sinh đặc biệt khi đi thi ở tuổi 60. Vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường, ông khăn gói đi thi với mong ước trở thành nhà báo.
Ông Lê Tuấn Anh (ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, ông đã ấp ủ đi thi đại học từ lâu. Nếu như không gặp “sự cố” thì ông đã đi thi đại học vào năm 2013. Năm ấy ông đã chuẩn bị kỹ hồ sơ nhưng khi lên nộp thì thiếu giấy khai sinh nên hồ sơ của ông không được nhận. Tháng 3 năm nay, khi đọc quy chế mới của Bộ GTĐT, ông mừng rỡ vì thuộc diện được đi thi. Thế là ông nhanh chóng làm hồ sơ đăng ký thi vào Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học KHXHNV TP.HCM.
Nói về lý do chọn ngành Báo chí, ông Tuấn Anh chia sẻ, báo chí là nơi để nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân. Người làm báo cũng rất dũng cảm đấu tranh với tiêu cực. Ông muốn trở thành nhà báo để bênh vực lẽ phải.
Để có kiến thức tự tin đi thi, ông cho biết ông lục tìm đọc sách giáo khoa cũ của con để đọc vào những lúc rảnh rỗi. Cách thời gian thi một tháng, hầu như ngày nào ông cũng học vào buổi trưa và buổi tối. Ngoài sách giáo khoa phổ thông ông còn tìm đọc thông tin, kiến thức trên báo chí...
Thấy ông học miệt mài, chịu khó và quyết tâm thi cử nên gia đình rất ủng hộ. Đặc biệt vợ ông dù đang mang bệnh nặng, trước khi ông đi thi 2 ngày mới được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn luôn ủng hộ chồng. Còn việc đồng áng, chăn nuôi tại nhà hai người con của ông (đang học phổ thông) tình nguyện thay cha làm trong thời gian ông đi thi.
Nói về lý do đi thi ông Lê Tuấn Anh cho biết, trước mắt là muốn học để mình có kiến thức, vì kiến thức là vô tận nên cần phải “học nữa, học mãi”. Nhưng hơn tất cả, ông muốn đi học đại học để góp phần thay đổi quan niệm lạc hậu của một bộ phận người dân đại phương khi xem nhẹ việc học hành của con cái.
Tại địa phương ông ở, nhiều người vẫn còn quan niệm cổ hủ khi không cho con cái đi học, nhất là đối với con gái. Nhiều người cho rằng con gái lớn lấy chồng nên không cần học nhiều, chỉ cần biết chữ là được. Vì vậy nhiều học sinh địa phương lớn lên là bỏ học, có một bộ phận không nhỏ các em ăn chơi lêu lổng rồi sinh tật xấu. “Có nói, khuyên ngăn thế nào thì nhiều người vẫn không nghe, không thấy tầm quan trọng của việc học hành nên cho con nghỉ học. Thấy vậy tôi nghĩ cần có hành động để người ta thấy. Thế là tôi đăng ký đi thi, đợt này thi cùng đợt với con gái đầu lòng. Tôi già rồi không còn nhiều cơ hội nữa nên lần này quyết tâm thi”, ông Anh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình thí sinh đặc biệt này thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Lúc ông đi tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 cũng được tỉnh dùng xe đưa đi theo diện thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhà ông trồng hơn 2 sào điều, nuôi được 3 con bò. Ngoài ra ông còn đi làm thuê để lấy tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống. Dù thu nhập gia đình không ổn định, vợ ông lại hay bệnh nhưng ông vẫn quyết tâm lo cho con cái học hành đầy đủ. Ông cho biết nếu thi đậu sẽ quyết tâm theo học đến cùng. “Thấy tôi đi thi cũng có người nói ra, nói vào. Nhưng trong đó có nhiều người rất ủng hộ, thậm chí còn hứa giúp đỡ nếu tôi đậu. Ngoài ra tôi nghĩ nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo nên tôi tự tin đăng kí thi.”.
Trao đổi với chúng tôi bạn Trần Văn Khanh (sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM, ở chung phòng trọ, đồng thời là láng giềng với ông Lê Tuấn Anh ở quê) cho biết: “Gia đình chú Anh ở quê khó khăn nhưng chú rất lạc quan, chịu khó học hỏi. Con chú cũng rất siêng học và chăm ngoan. Nhiều người ở quê rất quý trọng, kính nể chú.”