Thi cử TQ: Gian lận mới là công bằng!
Bên cạnh những tiêu cực trong chỉ tiêu tuyển sinh, sự chú trọng quá mức vào các kỳ thi được cho là đã tạo nên một thế hệ người học thiếu tính sáng tạo và tư duy đổi mới.
“Chúng tôi muốn công bằng. Làm gì có công bằng nếu các người không cho chúng tôi gian lận.”
Đó là câu khẩu hiệu mà đám đông hơn 2000 con người giận dữ đã hô vang khi tụ tập trước cổng ngôi trường trung học số 3 ở thành phố Zhongxiang tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc để phản đối quy định chống gian lận trong thi cử nghiêm khắc được đặt ra trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Hàng ngàn người bao vây trường học đòi "công bằng" trong thi cử
Tình trạng gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc – kỳ thi lớn nhất thế giới – đã được người ta biết đến từ lâu, và mỗi năm báo chí lại đưa tin về những vụ bê bối tiêu cực thi cử trong kỳ thi quyết định vận mệnh tương lai của học sinh này. Trung Quốc hiện là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới, và từ năm 2011, nhà chức trách Trung Quốc đã phải bắt đầu áp dụng các biện pháp chống gian lận bằng điện thoại di động và các thiết bị vô tuyến khác trong thi cử.
Theo tờ Telegraph, lý do khiến các nhà giáo dục Trung Quốc phải áp dụng quy định nghiêm khắc này là vì tình trạng gian lận tràn lan trong các trường học ở Trung Quốc, nơi các bài thi thường là yếu tố duy nhất quyết định đến con đường học hành của học sinh. Trong bối cảnh đó, việc không cho học sinh gian lận khiến cho các em cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh.
Không được gian lận trong thi cử khiến học sinh như bị dội một gáo nước lạnh
Và thế là khi các học sinh ở trường trung học số 3 thành phố Zhongxiang bị các giám thị dùng máy dò kim loại khám người và tịch thu cả những chiếc điện thoại giấu trong quần lót, các bậc phụ huynh đã uất ức coi đó là “không công bằng” và hô hào bao vây trường học khiến các giám thị bị kẹt lại trong phòng thi dưới con mưa gạch đá dồn dập ném vào cửa sổ.
Các bậc phụ huynh lý luận rằng gian lận thi cử là một “đặc sản” trên toàn Trung Quốc và việc bắt con em họ ngồi thi mà không có “công cụ hỗ trợ” là một thiệt thòi lớn đối với chúng. Tình thế khẩn cấp buộc hàng trăm cảnh sát phải lập thành hàng rào bên ngoài trường học và chính quyền địa phương đã thừa nhận rằng “các giám thị đã quá nghiêm khắc và nhiều học sinh không chấp nhận được điều đó.”
Hệ thống giáo dục ở Trung Quốc hiện nay phần nhiều vẫn thể hiện các nguyên tắc của đạo Khổng từ thời xa xưa, đó là quá chú trọng vào khả năng ghi nhớ, thuộc lòng và thi cử. Những bài học về tư duy phản biện hầu như không tồn tại và các học sinh không được khuyến khích tham gia vào việc tranh luận trong lớp học.
Một học sinh mệt mỏi bên núi sách vở
Trong năm cuối cấp, các học sinh cấp 3 hầu như chỉ toàn tâm toàn ý cho gaokao, kỳ thi tuyển sinh vào đại học toàn quốc, và cũng là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh ở Zhongxiang nổi loạn vì việc chống gian lận trong thi cử.
Về mặt lý thuyết, kỳ thi gaokao là một cơ hội công bằng cho tất cả người dân Trung Quốc: Một nông dân ở vùng nông thôn Tứ Xuyên cũng có cơ hội thành công như nhau với con trai của một quan chức ở Bắc Kinh.
Thế nhưng, trong thực tế, bên cạnh những tiêu cực trong chỉ tiêu tuyển sinh, sự chú trọng quá mức vào các kỳ thi được cho là đã tạo nên một thế hệ người học thiếu tính sáng tạo và tư duy đổi mới, hai kỹ năng mà chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, trong khi tình hình vẫn chưa được cải thiện thì một thực tế đơn giản vẫn tồn tại trong các trường học ở Trung Quốc, đó là bạn sẽ phát điên nếu không được gian lận trong các kỳ thi!